Đồng tiền mệnh giá 100 NDT của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhà phân tích Danielle Haralambous thuộc Trung tâm dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) vừa có bài phân tích các tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) (Brexit), đối với liên minh này và Trung Quốc trong năm 2017.
Theo bài viết, trong suốt 6 tháng qua, việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU gần như tác động không đáng kể đối với nền kinh tế EU. Sự sụt giảm nhẹ lòng tin kinh tế hồi tháng 7 và 8 vừa qua đã nhanh chóng phục hồi. Các chỉ số thậm chí cho thấy hoạt động kinh doanh đang tiến triển. Tuy nhiên, nguy cơ kinh tế và chính trị có thể sẽ gia tăng trong năm 2017 khi Chính phủ Anh chính thức khởi động tiến trình rời "mái nhà chung".
Tại Anh, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ gây bất ổn cho triển vọng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Cùng với đó, việc giá cả tăng vọt do đồng bảng Anh mất giá mạnh trong năm 2016 có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu trong nước cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Đối với châu Âu, nguy cơ kinh tế đình trệ ở Anh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu ở các nước có mối giao thương lớn với London như Ireland, Hà Lan, Bỉ và Cyprus. Các quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Anh hay có quan hệ mật thiết với ngành ngân hàng nước này, gồm Cyprus, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Phần Lan, Hy Lạp và Tây Ban Nha, cũng có thể bị tác động tiêu cực.
Tựu trung lại, hậu quả kinh tế từ Brexit đối với EU trong ngắn hạn tuy không quá lớn, nhưng việc Anh rời "mái nhà chung" sẽ làm trầm trọng hơn những điểm yếu cản trở tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực trong những năm gần đây, đặc biệt khi các nhà lãnh đạo EU không chú ý nhiều đến các vấn đề trong nước (như các nỗ lực cải cách) để tập trung vào các cuộc đàm phán với Anh. Ngoài ra, những rạn nứt chính trị trong EU về vấn đề Brexit sẽ gia tăng khi tiến trình này diễn ra gần như trùng thời điểm với các cuộc bầu cử quan trọng tại nhiều quốc gia.
Nhà phân tích Haralambous cũng nhận định tác động kinh tế-chính trị của Brexit đối với Trung Quốc tuy không quá lớn trong năm 2017 do kim ngạch thương mại song phương với Anh chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch của Trung Quốc, nhưng sự giảm tốc kinh tế của Anh có thể sẽ tác động tới nhu cầu trong khu vực, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Bắc Kinh khi EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc đồng bảng Anh mất giá kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 đã làm thay đổi những dự đoán về đầu tư dài hạn của Anh trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, trước đó được coi là khá ổn định.
Anh còn là một trong các nước chính đề xuất thiết lập quan hệ thương mại gần gũi hơn giữa EU và Trung Quốc, bởi vậy việc mất đi tiếng nói ủng hộ của Anh trong EU sẽ là tổn thất lớn với Bắc Kinh khi nước này đang tìm cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu và các cơ hội đầu tư nước ngoài.