Dù Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5 điểm phần trăm, từ 10,5% lên 17%/năm, nhưng vẫn thất bại trong việc hãm lại sự tụt dốc của đồng nội tệ. Theo nhận định của một số chuyên gia, công cụ tiếp theo mà nước Nga có thể sử dụng là bán vàng.Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, bước đi tiếp theo của Nga trong nỗ lực sửa chữa sự xáo trộn của nền kinh tế dưới tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine và sự rớt giá của dầu mỏ, là bán vàng.
Bán vàng được cho là bước đi tiếp theo của Nga. |
Hồi tháng trước, Ngân hàng trung ương Nga cho hay nước này nắm giữ khoảng 1.169,5 tấn kim loại quý này. Mức sở hữu này chiếm khoảng 10% dự trữ ngoại tệ của Nga, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho hay, trong năm nay tính đến ngày 18/11, Nga đã tăng dự trữ thêm 150 tấn vàng. Cũng theo WGC, Ngân hàng trung ương Nga mua vàng từ thị trường nội địa và các ngân hàng vàng.
Lượng tiền mặt của Nga hiện chạm ngưỡng thấp trong 5 năm qua trong bối cảnh Ngân hàng trung ương đã chi hơn 80 tỉ USD trong nỗ lực làm chậm lại sự rớt giá của đồng ruble. Sự sụp đổ của đồng nội tệ kết hợp với việc dầu mỏ rớt giá hơn 40% trong năm nay đang cướp đi nguồn tiền mạnh mà nước Nga cần trong lúc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong tình hình này, các chuyên gia đang đặt cược, Nga sẽ rút nguồn dự trữ của nước này. “Nga đang ở trong một tình thế nguy hiểm và xem xét những lệnh trừng phạt mà Nga bị áp đặt cũng như sự dụt giảm nhanh của giá dầu, nước này có thể buộc phải sử đụng dến nguồn dự trữ vàng. Nếu điều này xảy ra, giá vàng sẽ bị đẩy xuống thấp”, ông Kevin Mahn, người giám sát 150 triệu USD tại công ty thông tin nghiên cứu và đầu tư Hennion & Walsh Asset Management có trụ sở ở bang New Jersey (Mỹ) nói.
Những tính toán của trang Bloomberg thì chỉ ra Nga đã tăng gấp 3 dự trữ vàng kể từ năm 2005. Michael Widmer, chiến lược gia tại tập đoàn Ngân hàng Mỹ ở London nói: “Nga đã tăng dự trữ vàng trong giai đoạn rối ren và đó là dự trữ tài sản của nước này vì vậy Nga sẽ sử dụng đến nó cuối cùng”. Công cụ vàng trong tay Nga được dự đoán có thể được sử dụng để vực dậy đồng ruble hoặc như là nguồn bổ sung.
Trong quý trước, giá vàng giảm 8,4% do lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất khi nền kinh tế nước này cho thấy những dấu hiệu hồi phục. “Vàng có thể gặp phải áp lực vì Nga. Giá dầu mỏ không ủng hộ họ, vì vậy giờ đây lựa chọn tiếp theo của Nga để nâng đồng nội tệ là bán vàng. Có một số xì xào cho rằng Nga hoặc đã bắt đầu bán vàng hoặc đang sắp xếp để bán vàng”, James Cordier, nhà sáng lập của Optionsellers.com ở Tampa, Florida (Mỹ) nói.
Anh Tiếu (
Theo Bloomberg)