Điều này đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh bị đình trệ. Vì vậy, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất mục tiêu kế hoạch cả năm được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021. Năm 2021 cũng đánh dấu là năm Chính phủ đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách yêu cầu từ cấp Trung ương đến địa phương “xắn tay” vào cuộc với tinh thần bứt tốc để thúc đẩy ngân vốn đầu tư đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch năm.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu loạt bài Bứt tốc giải ngân đầu tư công ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong năm chịu ảnh hưởng đặc biệt của dịch COVID-19, những tồn tại cố hữu và các giải pháp mạnh từ Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhằm kịp thời đưa nguồn vốn "mồi" vào nền kinh tế.
Bài 1: Đưa nguồn vốn "mồi" vào nền kinh tế
Đánh giá nguồn vốn đầu tư công khoảng 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân, sáng ngày 28/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội trị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là việc cấp thiết để thúc đẩy tổng cầu cho nền kinh tế. Hội nghị cũng là diễn đàn phân tích những việc làm được, những việc chưa làm được để có giải pháp cho những tháng cuối năm và là kinh nghiệm cho cả giai đoạn 2021-2025.
Rà soát, tháo gỡ vướng mắc
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế trong những năm qua có chuyển biến tích cực nhưng đóng góp vào tăng trưởng của yếu tố vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp khác. Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Vốn đầu tư công có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với nền kinh tế và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 đang gây ngưng trệ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng thực tế, năm 2021 tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không như mong đợi.
Cụ thể, đến hết tháng 5 năm 2021, giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước mới đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm. Mức này tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả này, để tiếp thêm nguồn lực vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh vốn đang bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 liên tiếp quay trở lại, ngày 29/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP (Nghị quyết 63) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nghị quyết này khẳng định thêm quyết tâm chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư tiếp theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, Nghị quyết xác định rõ mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 phải đạt từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm; trong đó, đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, đến ngày 30/9/2021, các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao sẽ điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng…
Không dừng lại ở đó, ngày 16/7/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng; Tổ phó thường trực Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đảm nhiệm.
Đích thân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng phân loại và có hướng xử lý cụ thể theo đúng thẩm quyền các dự án giải ngân chậm. Những quy định mới của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất trên cả nước. Từng bộ, ngành, địa phương phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên dưới tác động lây lan của dịch COVID-19, dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71%; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 60,88%; vốn nước ngoài đạt 12,69%; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 21,65%.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, không thuộc trường hợp điều chỉnh theo quy định Nghị quyết 63/NQ-CP.
Chỉ rõ về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với năm 2020 mặc dù cả 2 năm cùng chịu tác động bởi dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm nay có sự khác biệt rõ rệt. Đó là tỷ lệ các địa phương thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ nhiều hơn so với năm 2020, do đó việc thi công công trình ở các địa bàn có dịch gặp khó khăn, thậm chí phải dừng thi công. Tiếp đến là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công do sự đứt gẫy chuỗi cung ứng và vận chuyển khó khăn cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Thêm vào đó, các địa phương có dịch, gần như ưu tiên cả về thời gian, nguồn lực con người, vật chất dành cho chống dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Đối với địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lại gặp những khúc mắc về thủ tục. Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù, địa phương đã rất nỗ lực triển khai đồng loạt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng các vướng mắc về quy định pháp luật đã cản trở dòng vốn đổ vào các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án trọng điểm, có quy mô lớn, tác động lan tỏa tới nền kinh tế.
Với thành phố Hà Nội, vướng mắc nằm ở điều chỉnh chủ trương đầu tư. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, Luật Đầu tư công chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A (trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư). Sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì được giao thẩm quyền xuống Hội đồng nhân dân, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn điều khoản chuyển tiếp.
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chậm còn do các nguyên nhân cố hữu từ những năm trước như vướng mắc giải phóng mặt bằng, trình độ thẩm định, phê duyệt dự án, năng lực nhà thầu. Việc chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không kỹ, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện hay cơ chế quản lý, giám sát của nhà tài trợ...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm suy giảm các động lực tăng trưởng từ các nguồn vốn khác, tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Bởi vậy, nhận diện đúng và xử lý kịp thời các điểm nghẽn trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan, tồn tại cố hữu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết để đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.
Giải pháp cho dài hạn
Với những tồn tại đã chỉ ra và để tháo gỡ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang kiến nghị Chính phủ sửa nhiều Luật; trong đó, có cả Luật Đầu tư công trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất; phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động rút ngắn thời gian thực hiện nhanh nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra trách nhiệm của người đứng đầu là phải quyết tâm và năng động hơn nữa trong chỉ đạo; đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, về phía tỉnh sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thi công nếu không thực hiện giải ngân hết vốn đã giao.
Ông Đỗ Thành Trung, Vụ Kinh tế tổng hợp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, tránh dàn trải, các địa phương cần tiếp tục rà soát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng để tập trung vốn đầu tư có trọng điểm, trọng tâm.
Ông Trung cũng khẳng định, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nếu dịch bệnh được kiểm soát và các địa phương thực hiện tốt việc lập kế hoạch, bố trí vốn, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 sẽ đạt trên 90-95%. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng, "cứu cánh" cho tăng trưởng và phát triển sau gần 3 tháng các địa phương không thể triển khai dự án vì dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một giải pháp mang tính dài hơi và căn cơ cho sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đó là việc Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn “mồi” để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; trong đó phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đến nay các bộ ngành, địa phương đã công bố danh mục cắt giảm đầu tư hơn 1.000 dự án. Như vậy, cùng với sự thay đổi về thể chế, pháp luật, dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm xuống 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, có 2.236 dự án khởi công mới.
Dự kiến tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Số vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng, trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã đề ra và nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay, hy vọng cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Và nguồn vốn này sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.
Bài 2: Giải pháp mạnh trong bối cảnh đặc biệt