Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương và công an không cho tiêu thụ cá chết và giúp ngư dân tiêu thụ hải sản an toàn được đánh bắt xa bờ ở vùng biển ngoài 20 hải lý. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước đã thiết lập đường dây nóng tại Quảng Bình và Hà Tĩnh để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản an toàn. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, các bộ ngành đang phối hợp để tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt dọc ven biển miền Trung thời gian qua. Bộ Công Thương sẽ nỗ lực giúp ngư dân tiêu thụ hải sản an toàn.
Niềm vui của ngư dân Quảng Bình khi cá an toàn được bán hết. Ảnh: Mạnh Thành - TTXVN. |
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Vụ đã chỉ đạo các siêu thị lớn, yêu cầu các thương lái cùng vào cuộc đưa hải sản an toàn đi tiêu thụ, không chỉ tại vùng biển đó mà đến các vùng khác. “Đến nay, lượng cá đánh bắt về được xác nhận an toàn đã được tiêu thụ hết. Sức mua dần phục hồi”, ông Quyền nói.
Nhìn lại toàn bộ diễn biến vụ việc cá chết đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh không bao giờ đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Hiện chưa biết nguyên nhân chính xác nhưng sẽ xử lý nghiêm khi tìm ra nguyên nhân. Lực lượng quản lý thị trường ngoài kiểm soát không để tiêu thụ cá chết còn có nhiệm vụ kiểm soát bình ổn thị trường nói chung bởi khi hải sản không bán được, các loại thịt có thể tăng giá do đầu cơ.
“Siêu dự án” phải tính đến môi trườngVới câu hỏi của báo chí về đề xuất “siêu dự án” tỷ đô trên sông Hồng của một doanh nghiệp gần đây, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, hiện nay chưa có bất kì dự án thủy điện nào trên sông Hồng trong quy hoạch do Chính phủ phê duyệt. Với siêu dự án đang được báo chí nhắc đến thời gian gần đây, ông Quân khẳng định đây không phải dự án thủy điện mà là dự án giao thông thủy xuyên Á.
“Khi làm đập dâng nước lên cho giao thông thì có thể tận dụng phát điện làm thủy điện. Dự án này có thật sự cần thiết hay không thuộc về trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định vì nó liên quan đến hạ tầng. Dù dự án có được triển khai thì khả năng phát điện nhỏ, vai trò trong hệ thống điện không đáng kể (chỉ khoảng 200 MW)”, ông Quân nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, dự án này mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp và còn cần phải nghiên cứu. “Tất cả mới là đề xuất sơ bộ, chưa có thông tin rõ ràng do chưa có hồ sơ chính thức. Nhà đầu tư cần phải làm rõ về việc di dân, báo cáo tác động môi trường…”, Thứ trưởng cho hay.
Theo sát diễn biến gạo Thái Lan Liên quan đến động thái bán toàn bộ kho gạo dự trữ hơn 11 triệu tấn của Thái Lan đã được báo Tin Tức phản ánh thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, việc Thái Lan bán hết gạo dự trữ sẽ khiến cung nhiều trong khi cầu vẫn thế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá và việc tiêu thụ gạo của các nước cùng xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Trả lời câu hỏi của phóng viên Tin Tức về giải pháp của Bộ để đảm bảo xuất khẩu gạo trong năm nay, Thứ trưởng Hải cho biết phải tìm đối tác mới, giữ chân đối tác cũ. Thái Lan có thể bán bằng hoặc thấp hơn giá gạo Việt Nam nhưng chất lượng gạo của họ thế nào thì chưa biết. Do đó, trước mắt, chúng ta cần xem xét kĩ lưỡng động thái từng thị trường để có giải pháp cụ thể, trong đó có tính đến việc sẽ kí kết hợp đồng với các thị trường lớn như Nga, châu Phi, vùng Trung cận Đông. |