Sự kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam đã tác động mạnh tới người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nước ta. Đoàn kết để tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng trong kinh doanh là điều các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới.
Quyết định phi lý
Theo quyết định được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố ngày 14/3, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam đều tăng trung bình gấp nhiều lần so với mức thuế suất trung bình của đợt xem xét thuế chống bán phá giá lần thứ 7.
Do chủ động được nguyên liệu đầu vào, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (TP Cần Thơ) tiếp tục ổn định sản xuất chế biến cá tra đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Cụ thể mức thuế phổ biến của các doanh nghiệp tự nguyện là 0,77 USD/tấn, các doanh nghiệp bắt buộc gồm Vĩnh Hoàn là 0,19 USD/tấn, Angifish là 1,34 USD/tấn, và các doanh nghiệp khác là 2,11 USD/tấn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, điều này hoàn toàn bất công, Inđônêxia là nước có điều kiện kinh tế - xã hội hoàn toàn khác với Việt Nam và đây là lựa chọn sai.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết mức thuế suất mới sẽ gây thiệt hại rất lớn với các doanh nghiệp, riêng các doanh nghiệp xuất khẩu lượng lớn cá tra vào thị trường Mỹ, dự kiến phải nộp mức thuế lên tới vài triệu USD.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep khẳng định: Điều này là hết sức bất ngờ và vô lý đối với ngành cá tra Việt Nam. Mới cách đây 6 tháng, cũng chính DOC đã quyết định các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%, và DOC sử dụng Bănglađét là quốc gia thay thế. Nay, DOC lại chọn Inđônêxia làm quốc gia thay thế, với những số liệu không tương thích về điều kiện nuôi trồng, xuất khẩu để áp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, có thể không xuất khẩu được. “Điều này là vô lý và không công bằng” - ông Trương Đình Hòe khẳng định.
- Đây là lần 7 trong 8 năm liên tiếp, cá tra, basa Việt Nam bị Mỹ kiện chống bán phá giá. - Cá tra Việt Nam hiện có mặt tại thị trường gần 135 quốc gia trên thế giới. Năm 2013, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra của nước ta khoảng 2 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường lớn thứ hai sau EU. |
Ông Trịnh Bá Hoàng, TGĐ Tổng Công ty CP đầu tư thương mại thủy sản bức xúc: Từ trước tới nay, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào Hoa Kỳ, vấn đề thuế chống phá giá luôn là điều đáng lo ngại nhất. Thuế này bấp bênh, không ổn định khiến doanh nghiệp bị động trong tổ chức kinh doanh, chi phí giá không thể xác định trước nên bán cầm chừng, vừa bán vừa thăm dò.
Trước những bức xúc và lo lắng của doanh nghiệp cũng như người nuôi trồng, nhiều chuyên gia ngành thủy sản đưa ra khuyến cáo: Cộng đồng người nuôi lẫn doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bán tháo, bán đổ, gây thiệt hại lớn; bởi đây chưa phải là phán quyết cuối cùng.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ cũng cho rằng, Vasep và các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đấu tranh quyết liệt nhằm giảm mức thuế chống bán phá giá. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cần tổ chức lại khâu sản xuất, phân công lại thị trường xuất khẩu, ưu tiên cho các doanh nghiệp có mức thuế suất thấp vào thị trường Mỹ. Đối với các doanh nghiệp có mức thuế suất cao có thể chuyển hướng sang thị trường khác. Với cách làm này sẽ mang hiệu quả cho nghề nuôi cá tra, ba sa của Việt Nam.
Hợp sức để sinh tồn
7 ngày kể từ ngày 14/3, nếu DOC chính thức đăng quyết định trên trên Công báo của Liên bang thì phán quyết sẽ có hiệu lực.
Vasep đang bàn bạc với các luật sư về khả năng Việt Nam sẽ kiện ra tòa án thương mại Liên bang của Hoa Kỳ về phán quyết không đúng của DOC.
Theo đó, trong quá trình khởi kiện, khi chưa có phán quyết cuối cùng, các doanh nghiệp sẽ không phải nộp tiền ký gửi cho thuế bắt buộc.
Ngày 14/3/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2010 đến ngày 31/7/2011. Dự kiến kết quả có hiệu lực vào tuần tới sau khi được đăng trên Công báo Liên bang. Trái với kết quả sơ bộ được công bố hồi tháng 9/2012, trong POR8, Mỹ chọn Inđônêxia thay Bănglađét làm nước thay thế để căn cứ tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. |
Nếu có khởi kiện, các luật sư và hiệp hội sẽ đưa ra lập luận như thế nào để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp? Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết: Về phía các doanh nghiệp thì đang làm mấy việc như sau: Thứ nhất, Vasep yêu cầu các luật sư nghiên cứu về các tính toán số học, nếu các tính toán của DOC đưa ra có sai sót thì đề nghị DOC có tính toán và thông báo chính xác. Thứ hai, nghiên cứu khả năng khiếu kiện lên tòa án Hoa Kỳ. Trong 8 năm qua, DOC thường xuyên sử dụng Bănglađét như số liệu tin cậy và có nhiều yếu tố tương đồng.
“Nếu có theo kiện, vụ kiện có thể kéo dài thời gian dài nhưng là việc cần thiết để giúp doanh nghiệp có mức thuế hợp lý và tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ” - ông Hòe nhấn mạnh.
Ông Trương Đình Hòe cũng nêu quan điểm: Việc khiếu kiện này thực tế là việc của từng doanh nghiệp. Ở ta, các doanh nghiệp có thể hợp sức tạo nên hoạt động khiếu kiện của nhóm doanh nghiệp. Có như vậy, vụ việc mới thống nhất và chúng ta mới có nguồn lực tốt nhất, là cơ sở để có kết quả tốt. Điều này cũng thể hiện sự thống nhất trong hoạt động xuất khẩu nói chung, và là căn cứ để tính toán áp các mức thuế khác nhau.
Thúy Hiền - BTV