Các nhà lãnh đạo 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh chiều 10/11. Dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe và 10 nhà lãnh đạo khác sẽ ra một tuyên bố chung sau cuộc họp.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên TPP. |
Trong lần họp này, các bên sẽ cùng chia sẻ một tầm nhìn rõ ràng về cách thức cũng như thời điểm kết thúc các vòng đàm phán TPP do Mỹ khởi xướng, nhằm hoàn tất hiệp định sẽ tạo lập ra một khu vực thương mại tự do chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu.
Trở ngại cho đàm phán TPP hiện nay là việc dàn xếp những bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản về việc tiếp cận thị trường nông nghiệp và ô tô. Bên cạnh đó, quá trình thiết lập các quy định thương mại thống nhất giữa 12 quốc gia trong các lĩnh vực như quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và bảo vệ môi trường cũng sẽ là chủ đề khó khăn.
Trước đó, trong cuộc họp của các bộ trưởng thương mại và kinh tế các nước tham gia TPP, các bộ trưởng đã nhất trí kết thúc đàm phán vào đầu tháng 2/2015 theo thời hạn mới do Mỹ đề xuất. Song, một số nước vẫn tỏ ra hoài nghi về thời hạn này. Ngày 9/11, đại diện thương mại Mỹ, ông Michael Froman khẳng định Washington sẽ ưu tiên cho việc đàm phán TPP, đồng thời hối thúc các phái đoàn đàm phán cố gắng hoàn tất TPP trong năm tới.
Trong khi đó, để cạnh tranh với TPP, Trung Quốc đang xúc tiến tạo lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) vào năm 2025. Các cuộc đàm phán TPP diễn ra bên lề cuộc họp của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đàm phán TPP, được khởi xướng từ năm 2005, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Trà My