Đã có hơn 4,3 triệu con giống thủy sản (trong đó khoảng 4 triệu tôm sú giống và 300.000 cua biển giống) được thả xuống vùng ven biển tự nhiên. Các con giống thủy sản một phần do ngân sách mua, còn lại chủ yếu vận động các doanh nghiệp, ngư dân, người hoạt động trong ngành thủy sản đóng góp. Các con giống đều được kiểm tra, khỏe mạnh và sạch bệnh trước khi thả xuống vùng biển, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, có thể sinh sản và phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản nêu bật ý và sự cần thiết trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; Đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cũng phát biểu về ý nghĩa của hoạt động phóng sinh trong phục hồi nguồn lợi thủy sản và kêu gọi mọi người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng tăng ni, phật tử...
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thuỷ sản Sóc Trăng, thả tôm cá giống về với môi trường tự nhiên là hoạt động thường niên trong khuôn khổ kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thủy sản. Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế vào vùng nước tự nhiên góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản trong vùng biển, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển bền vững nghề cá. Không chỉ thả con giống thủy sản trong ngày hôm nay, sắp tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện thả thêm nhiều con giống về biển vào dịp 30/4 và 1/5.
Cũng tại buổi lễ thả tôm cá giống về môi trường tự nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đã trao tặng Bằng khen cấp Bộ cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng 100 suất học bổng, mỗi suất 500 ngàn đồng cùng 20 cuốn tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ở địa phương.
Trong khi đó, tại bến tàu du lịch quận Ninh Kiều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Cần Thơ tổ chức lễ phát động phong trào thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố. 40.000 con cá giống các loại đã được thả xuống sông nhằm nâng cao công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Năm nay, thành phố Cần Thơ tổ chức thả cá ở 9 điểm với các loài cá bản địa tại địa phương như: cá rô, cá lóc, cá trê, cá hô, cá chạch… tổng số lượng cá thả khoảng 150.000 con cá giống các loại.
Tổng diện tích thả nuôi thủy sản ở Cần Thơ hiện nay là là 8.803 ha, bằng 99% so với năm 2020, vượt 7% so với kế hoạch năm (8.200 ha). Sản lượng nuôi thủy sản đạt 217.488 tấn, vượt 1% so với cùng kỳ năm 2020 và vượt 9% so với kế hoạch năm (199.600 tấn).
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Phạm Trường Yên, thả cá vào môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản vào ngày tuyền thống ngành thủy sản Việt Nam góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện pháp luật về tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các cơ quan quản lý và nhân dân ở Cần Thơ, từng bước đưa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành thói quen của người dân.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm soát việc khai thác thủy sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gần 5.000 con cá các loại như: cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm; 700.000 con tôm sú và 100 kg cá trê, cá rô phi đã được Chi cục Thủy sản tỉnh chia thành 3 đoàn thả con giống tại các địa điểm như: Khu tượng đài Tàu Không số, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc; Ngã ba sông Mũi Giui, xã Long Sơn, thành phố Vùng Tàu; hồ Quang Trung và hồ An Hải - huyện Côn Đảo. Tổng kinh phí cho đợt tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là 156 triệu đồng, được trích từ ngân sách tỉnh.
Hoạt động thả cá không chỉ nhằm tái tạo, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn nhằm mục đích khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước nhằm góp phần chung tay xây dựng mục tiêu phát triển ngành theo hướng bền vững.