Các Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn cần được giải ngân hiệu quả hơn 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN

“Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Chính sách có độ trễ, nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi 

Theo Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp SME. Việc các doanh nghiệp SME khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

“Hiệp hội và các doanh nghiệp SME đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bảy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn…, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp SME phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội SME Nguyễn Văn Thân cho biết.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. 

Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với SME đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. 

Về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đại diện NHNN cho biết: Hiện nay, hầu hết các TCTD đều tham gia cho vay SME, nhiều TCTD đã chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường.

Lãnh đạo LPBank cũng bày tỏ sự bất ngờ về hiệu quả của gói tín dụng ưu đãi trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tính đến ngày 28/6, sau 20 ngày triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 7,5%/năm và khách hàng cá nhân từ 8,5%/năm, ngân hàng đã giải ngân gần hết gói tín dụng. Theo đó, có 514/561 điểm giao dịch của LPBank trên toàn quốc, bao gồm cả đô thị và nông thôn phát sinh khách hàng vay vốn với tổng doanh số giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng trong gói ưu đãi trị giá 8.000 tỷ đồng, số lượng khách hàng được vay vốn là hơn 5.000 khách hàng.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Ban lãnh đạo LPBank đã quyết định tăng thêm 2.000 tỷ đồng hạn mức cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp, nghĩa là nâng quy mô gói ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng. Mức lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn”, đại diện LPBank cho biết.

Thời gian qua, ngân hàng đã tìm mọi giải pháp như giảm chi phí huy động đầu vào theo xu hướng thị trường, tiết giảm chi phí hoạt động như tự động hóa các quy trình, số hóa các hoạt động để tăng năng suất lao động cũng như các giải pháp giảm chi phí hoạt động khác... Đây chính là cơ sở để LPBank có thể triển khai, duy trì gói ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn.

Đại diện của LPBank cho biết, ngoài gói tín dụng ưu đãi, LPBank còn ra mắt sản phẩm “Cho vay siêu nhanh sản xuất kinh doanh trong 24h” với thời gian thông báo cấp tín dụng trong 24 giờ, yêu cầu về hồ sơ thủ tục vô cùng đơn giản.

Tương tự, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở, tuần qua, MSB thông báo giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành, áp dụng đến hết 31/12/2023. Đối tượng được hưởng ưu đãi là tất cả khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình. Đây là lần thứ hai trong năm 2023, MSB giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng đang có dư nợ.

Với nhóm khách hàng mới, MSB đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh về lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như cho vay kinh doanh, cho vay bất động sản, thế chấp linh hoạt… Trong đó, tiêu biểu là gói giải pháp “Cơn lốc kinh doanh” với lãi suất 10,5%/năm, vay mua bất động sản có lãi suất 10,99%/năm.

"Nhiều SME mà Agribank tìm hiểu thì tạm ngừng hoạt động hoặc cầm chừng. Có doanh nghiệp đơn hàng giảm hơn 50%, thậm chí không còn đơn hàng”, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách Tín dụng Agribank chia sẻ lý do ngân hàng nỗ lực cho vay nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng thấp.

Trong tệp khách hàng mà Agribank tìm hiểu, có khoảng hơn 10% doanh nghiệp mà ngân hàng đem vốn đến mời chào nhưng lại không có nhu cầu vay.

Xuất phát từ thực tế doanh nghiệp nói khó vay vốn, khó tiếp cận vốn nhưng ngân hàng cũng nói cần khách, ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: Ngành Ngân hàng kinh doanh lĩnh vực tiền tệ, cần phải hướng dòng tiền tín dụng vào các doanh nghiệp có năng lực tổ chức kinh doanh, phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo tốt và định hướng phát triển dài hạn.

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội SME TP Hà Nội cho biết: Thời gian qua thực hiện luật hỗ trợ SME, Chính phủ có lập Quỹ doanh nghiệp SME để phát triển doanh nghiệp. Qua theo dõi, Quỹ này được giải ngân 2.000 tỷ đồng nhưng hiện mới chỉ cho vay được hơn chục dự án với giá trị là 100 tỷ đồng. Còn năm trước chỉ “nhỏ giọt” là khoảng từ 5 - 6 tỷ đồng.

“Chúng tôi thấy rằng chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp rất tốt nhưng để giải ngân được là bài toán rất khó. Các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111 của Chính Phủ để phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được hỗ trợ giải ngân 2,13% từ các ngân hàng. Các nguồn đó vay cũng rất khó. Qua theo dõi các công ty cũng phải là dạng vừa. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp sản xuất hiện nay, để phát hành được trái phiếu, quy mô cũng phải tăng lên, thị trường sản phẩm phải mới chứ bình thường chưa đầu tư đổi mới công nghệ, việc phát hành trái phiếu là khó”, bà Trịnh Thị Ngân cho biết.

Việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, đi sâu vào phương án sản xuất kinh doanh rất quan trọng, để làm sao dòng tiền đi đúng hướng. Việc giám sát doanh nghiêp cũng là cần và đủ để doanh nghiệp bảo toàn vốn cho mình, ngân hàng bảo toàn vốn cho ngân hàng nữa.

“Chúng tôi mong các quỹ Nhà nước đã ban hành, hướng dẫn doanh nghiệp nhưng được thủ hưởng. Đôi khi chính sách ban hành ra, tiền để một góc thôi chứ chả cho doanh nghiệp sinh lời được. Hà Nội cũng có quỹ 3.000 tỷ nhưng để duyệt vay được vốn nên rất khó”, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội SME TP Hà Nội than thở.

Khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ghi nhận giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), chính sách giảm lãi suất chỉ tác động kích cầu ở một mức độ nào đó. Bởi trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sụt giảm nên nhu cầu vay vốn không nhiều. Vì vậy, lãi suất có thể là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để doanh nghiệp vay vốn mở rộng kinh doanh.

Qua phân tích đánh giá tăng trưởng kinh tế quý II/2023 cải thiện, có sự đóng góp quan trọng của khu vực thương mại và dịch vụ. Điều này cho thấy, việc khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cầu nước ngoài yếu là hướng đi đúng và cần tiếp tục tập trung khai thác động lực này.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng - Tổng cục Thống kê (TCTK), để khơi thông nguồn vốn tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, nhất quán chính sách tài khoá và tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa là trọng tâm vì hiệu quả tức thời của loại chính sách này. Chính sách tiền tệ có độ trễ và hoạt động của ngân hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt. Để có thể hưởng lợi được từ chính sách tiền tệ, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện bắt buộc, tuy vậy, những điều kiện này không dễ đáp ứng trong bối cảnh hiện nay.

“Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi xuất khẩu đơn hàng; nghiên cứu, giảm có thời hạn mức thuế thu nhập doanh nghiệp với các đơn vị xuất khẩu; đồng thời nghiên cứu sớm hoàn thuế VAT. Những giải pháp này nếu được thực hiện sẽ giải phóng lượng vốn bị đọng cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất. 

Chẳng hạn, đối với ngành thủy sản cần có gói tín dụng cho nuôi trồng thuỷ sản và mua dự trữ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm và quý I/2024. Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh: Những gói tín dụng này rất cần thiết nhằm ứng phó với tình trạng hiện nay doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu, nhưng để có và thực hiện được đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới cần có vốn ưu đãi khiến người nuôi trồng thuỷ sản yên tâm tiếp tục thả nuôi, cung cấp đủ nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Tương tự đối với ngành dệt, may cần ưu đãi tín dụng để mua nguyên vật liệu, trả lương người lao động giống như gói vay ưu đãi 0% trả lương do Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn đại dịch.

“Để hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó khăn cho doanh nghiệp; không ban hành thêm văn bản mới gây gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại và đưa ra nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Minh Phương/Báo Tin tức (Báo Tin tức)
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lại 'than' vay vốn phải mua kèm bảo hiểm
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lại 'than' vay vốn phải mua kèm bảo hiểm

Mặc dù, các ngân hàng thương mại không bắt buộc doanh nghiệp vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng các ngân hàng lại đưa ra 2 lựa chọn, gói vay không có bảo hiểm thì lãi suất cao, gói vay có bảo hiểm sẽ lãi suất tốt hơn. Vì vậy, người vay vào thế phải mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN