Cải cách tài chính ở Trung Quốc: Chương trình lớn và khó

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây đã công bố kế hoạch cải cách tài chính với mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành tài chính trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong thời gian từ nay đến năm 2015 lên mức 5%. Trong bản kế hoạch đó, PBOC chủ trương thị trường hóa lãi suất và cải cách cơ chế điều hành tỷ giá, đồng thời nâng cao khả năng hoán đổi của đồng nhân dân tệ (NDT).

 

Theo các chuyên gia phân tích, động thái này của Trung Quốc là nhằm đối phó với các nguy cơ đang nổi lên trong thời gian gần đây như tình trạng nợ nần gia tăng trong các doanh nghiệp và hiện tượng suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có vẻ như cải cách sẽ là một chặng đường dài, bởi vì trong kế hoạch trên PBOC không đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện các biện pháp cải cách.

 

Những động lực cho cải cách

 

Trung Quốc chủ trương thị trường hóa lãi suất và cải cách cơ chế điều hành tỷ giá. Ảnh: Internet.

 

Hồi tháng 5/2012, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) Li Yang đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ nần quá mức của các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo ông Li, tỷ lệ nợ/tài sản của các doanh nghiệp nước này đã lên tới 105,4%, cao hơn nhiều so với ngưỡng nguy hiểm 80%. Con số biết nói này cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang hoạt động chủ yếu nhờ vào nguồn vốn đi vay. Thực trạng này có thể gây ra rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong tương lai gần.

 

Mặt khác, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang chậm dần. Năm 2010, Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng 10,4%. Tỷ lệ này đã giảm còn 9,2% trong năm 2011. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng với tốc độ 8,1% trong quý I/2012 và 7,6% trong quý II/2012, thấp nhất trong 12 quý qua. Nếu trong thời gian tới, đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn tiếp tục suy giảm, nó có thể sẽ tạo ra nhiều rủi ro. Ông Fang Xinghai, Tổng Giám đốc Văn phòng Dịch vụ Tài chính thuộc chính quyền Thành phố Thượng Hải, cảnh báo rằng nhiều nguy cơ tài chính có thể sẽ nổi lên nếu những tình huống bất thường khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị giảm mạnh và đây chính là nguy cơ lớn nhất đối với lĩnh vực tài chính trong vòng 5 năm tới.

 

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế và tổ chức tài chính quốc tế cho rằng cải cách tài chính đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với Trung Quốc. Trong báo cáo đánh giá chính thức đầu tiên về lĩnh vực tài chính của Trung Quốc được công bố hồi tháng 11/2011, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu bật sự cần thiết phải tiến hành các cuộc cải cách tài chính ở Trung Quốc khi khẳng định hệ thống tài chính của nước này về tổng thể vẫn lành mạnh nhưng đang đối mặt ngày càng nhiều nhân tố có thể gây tổn thương. Các nguy cơ ngắn hạn đối với Trung Quốc gồm chất lượng tín dụng đang giảm, bất động sản giảm giá và những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, IMF nhấn mạnh Bắc Kinh cần phải tiến hành các cuộc cải cách để củng cố sự ổn định trong lĩnh vực tài chính và kích thích tăng trưởng mạnh mẽ và cân bằng.

 

Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia Fang nhấn mạnh, “nếu chúng ta (Trung Quốc) thực hiện các cuộc cải cách theo định hướng thị trường trong lĩnh vực này thì sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

 

Kế hoạch lớn

 

Trong nỗ lực thực hiện cải cách tài chính, vào tháng 4/2012, Trung Quốc đã nới rộng biên độ dao động của tỷ giá giữa NDT và USD từ mức 0,5% lên 1%. Đây được coi là một bước đi nhằm nới lỏng kiểm soát tỷ giá hối đoái. Tiếp đó, vào tháng 6, PBOC đã nới lỏng kiểm soát lãi suất khi cho phép các ngân hàng ấn định lãi suất huy động cao hơn 10% so với lãi suất chuẩn và lãi suất cho vay thấp hơn 30% so với mức chuẩn.

 

Tuy nhiên, những biện pháp đơn lẻ như vậy vẫn chưa đủ để giúp Trung Quốc đối phó một cách hiệu quả với các nguy cơ đang nổi lên và đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi nguy cơ suy giảm tăng trưởng hiện nay. Do vậy, ngày 16/9, PBOC đã công bố bản kế hoạch cải cách tài chính giai đoạn 2011-2015. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, Phó Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết các cuộc cải cách tài chính của nước này sẽ phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản là gắn với thị trường và các cuộc cải cách thương mại.

 

Điểm đáng chú ý trong bản kế hoạch này là Chính phủ Trung Quốc sẽ “tăng độ biến động theo hai chiều của tỷ giá hối đoái và duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái ở mức hợp lý và cân bằng”. Bên cạnh đó, PBOC sẽ tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về việc trao đổi trực tiếp giữa đồng NDT và các đồng tiền khác ở các thị trường mới nổi.

 

Trong thời gian qua, vấn đề tỷ giá là một trong những nhân tố dẫn tới căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ cho rằng đồng NDT đang được định giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực. Vì vậy, Washington đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh nâng giá đồng bản tệ của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu đó. Chỉ đến tháng 4 năm nay, PBOC mới nới lỏng kiểm soát đối với đồng NDT khi cho phép đồng tiền này giao dịch trong biên độ lớn hơn.

 

Về lãi suất, trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc chủ trương thị trường hóa lãi suất. Ông Xiao Gang, Chủ tịch ngân hàng Bank of China, cho rằng việc cho phép các ngân hàng tự do ấn định lãi suất sẽ buộc các ngân hàng Trung Quốc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ và chủ động tìm kiếm các thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc tự do hóa lãi suất sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn và đổi mới hoạt động để tăng lợi nhuận.

 

Mặt khác, trong kế hoạch trên, Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ giảm bớt việc can thiệp vào các hoạt động tài chính quy mô nhỏ. Các cơ quan quản lý sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cải cách các ngân hàng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm, đồng thời hướng dẫn khu vực tư nhân mở rộng vốn đầu tư vào các tổ chức tài chính.

 

Ngoài ra, Trung Quốc "dự kiến sẽ thực thi các biện pháp để nới lỏng kiểm soát đối với các dòng vốn qua biên giới" và hướng tới mục tiêu là “khả năng hoán đổi hoàn toàn” của đồng NDT.

 

Bao giờ những cam kết trở thành hiện thực?

 

Mặc dù trong kế hoạch trên Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp cải cách "đồ sộ" nhưng nhiều nhà đầu tư đã đón nhận thông tin này một cách thờ ơ. Nguyên nhân là do bản kế hoạch này chỉ nêu ra các định hướng cải cách chung chung như “cải thiện cơ chế xác định tỷ giá hối đoái của đồng NDT" hay “thị trường hóa lãi suất” mà không nêu rõ lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp cải cách đó.

 

Ông Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Công nghiệp ở Thượng Hải, nói việc (bản kế hoạch cải cách) thiếu thông tin chi tiết và có lời lẽ dập khuôn là “điều gây thất vọng” đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh các kỳ vọng về việc Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình cải cách đã gia tăng vào đầu năm nay.

 

Cùng chung quan điểm đó, ông Zuo Xiaolei, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Galaxy, cho rằng Bắc Kinh có “một chặng đường dài phải đi” trước khi tự do hóa tỷ giá đồng NDT và cho phép đồng tiền này có khả năng hoán đổi hoàn toàn.

 

Theo ông Zuo, một trong số các quan ngại của Chính phủ Trung Quốc hiện nay chính là khả năng đồng NDT tăng giá mạnh nếu thả nổi tỷ giá và việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với đồng tiền này có thể dẫn tới sự biến động của các dòng vốn ra và vào nước này.

 

 

Thanh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN