Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức vào chiều 16/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong suốt 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020. Con số này được kỳ vọng sẽ sớm hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD trong thời gian tới.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 tăng trưởng bình quân khoảng hơn 16%/năm. Ngoài ra, một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại rất tích cực giữa 2 nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways.
Về đầu tư, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh, thành phố. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, đưa Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh vấn đề hợp tác kinh tế, ông Hoàng Quang Phòng cho biết hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương, mà đang mở rộng sang các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, hiện nay hai nước đang có rất nhiều mối quan tâm chung trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bà Foote cho rằng, có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư.
Chủ tịch Amcham chia sẻ, một trong những vấn đề Amcham đang tích cực làm việc với chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ là tìm ra chuẩn mực toàn cầu để các doanh nghiệp biết để trông đợi, kỳ vọng những gì từ hai bên.
Để nâng cao việc hợp tác thương mại giữa hai nước, bà Virginia Foote khuyến nghị một trong những yếu tố cần nhấn mạnh là chính sách thuế, môi trường quản lý. Theo Chủ tịch Amcham, hiện tại chính sách thuế còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là các thủ tục hành chính cần giảm thiểu, nhất là các thủ tục tốn nhiều chi phí.
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng không. Trong bối cảnh đó, Việt Nam Airlines vẫn khai thác khoảng gần 25% năng lực hoạt động, doanh nghiệp cũng hoàn toàn tin tưởng vào tương lai thị trường vận tải hàng không sẽ sớm phục hồi trở lại.
Để chuẩn bị cho sự phục hồi thị trường, Vietnam Airlines đã chuẩn bị các phương án khai thác, trong đó có mở đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ông Lê Hồng Hà cũng cho biết, Mỹ là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam. Các cặp thành phố Los Angeles - TP Hồ Chí Minh và San Francisco - TP Hồ Chí Minh nằm trong top 10 cặp thành phố có dung lượng thị trường lớn nhất thế giới chưa có đường bay thẳng. Do đó, việc có đường bay thẳng kết nối Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mở ra cơ hội cho Vietnam Airlines hoàn thành miếng ghép, hoàn thiện vai trò kết nối của Việt Nam Airlines giữa Việt Nam và thế giới.
Việc khai thác đường bay thẳng này sẽ giúp tiết kiệm 3 - 10 tiếng thời gian bay, đồng thời không còn các phiền phức phát sinh tại điểm trung chuyển cho khách hàng, là bước kết nối, thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại hai nước, góp phần đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng ra quốc tế.