2,6 tỷ USD là khoản tiền mà ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) sẽ phải nộp vì đã buông lỏng quản lý, vi phạm Luật về bí mật ngân hàng, "nhắm mắt làm ngơ" những dấu hiệu gian lận tài chính liên quan đến Bernard Madoff, "tác giả" của vụ lừa đảo khổng lồ khiến Phố Wall rung chuyển hồi năm 2008.
Bên ngoài trụ sở JPMorgan Chase tại New York. Ảnh: Bloomberg |
Trong tổng số tiền mà JPMorgan phải nộp phạt có 2,24 tỷ USD là tiền bồi thường cho các nạn nhân bị lừa đảo và 350 triệu USD nộp cho Văn phòng kiểm soát tiền tệ.
Trong hơn 20 năm, Madoff đã sử dụng các tài khoản ở JPMorgan để vận hành kế hoạch lừa đảo hàng chục tỷ USD khiến khoảng 4.000 nhà đầu tư sập bẫy. Thủ đoạn của Madoff không có gì mới: lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ và thông báo cho nhà đầu tư về các khoản lãi "trên trời".
Những nhân viên của JPMorgan bị cáo buộc đã che giấu cho các hoạt động mờ ám của Madoff ít nhất là từ năm 1994. Còn luật sư Preet Bharara khẳng định: JPMorgan liên tục phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo. Công ty Bernard L. Madoff Investment Securities của Madof khi bị sập chỉ có một lượng tài sản vỏn vẹn 300 triệu USD, trong khi trước đó thông báo là 65 tỷ USD. Madoff bị tuyên án 150 năm tù giam.
Theo thỏa thuận hoãn khởi tố, chính quyền sẽ "xóa" các cáo buộc hình sự nếu ngân hàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý trong hai năm gồm: nộp phạt, sửa đổi chính sách chống rửa tiền, hợp tác với cơ quan điều tra và báo cáo về bất kỳ hành vi sai trái nào do JPMorgan hoặc các nhân viên phạm phải.
Thời gian gần đây, các án phạt không ngừng "đeo bám" JPMorgan Chase, trong đó phải kể đến "sự kiện" ngân hàng này đã chấp nhận nộp 13 tỷ USD vì vụ bán chứng khoán thế chấp có rủi ro cao. JPMorgan Chase là một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới, đồng thời là ngân hàng lớn nhất Mỹ với tổng giá trị tài sản 2.509 tỷ USD.
Hương Giang (
Theo AFP)