Logistics (chuyên chở, lưu giữ, cung cấp hàng hóa) được xem là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XNK). Tuy nhiên, dịch vụ logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển hiệu quả. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại diễn đàn “Logistics thúc đẩy thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra ngày 27/11 tại TP Hồ Chí Minh. Chi phí logistics quá cao
Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 10 - 13% GDP ở các nước phát triển, riêng ở Việt Nam chiếm tới khoảng 25% GDP. Điều này, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, dẫn tới các DN XNK trong nước phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phát triển dịch vụ Logistics là thúc đẩy thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Nghiên cứu và đánh giá của Viện Nomura (Nhật Bản) cũng nói rõ, các DN logistics tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thị trường logistics. Bên cạnh đó, mặc dù giá cả dịch vụ logistics tại Việt Nam tuy có rẻ so với các nước khác nhưng dịch vụ không chắc chắn và các công ty giao nhận địa phương kém phát triển, làm cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực khó khăn hơn khi chiếm lĩnh thị trường.
Tính đến tháng 9/2014, Việt Nam có tổng cộng 50 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III bao gồm khoảng 219 bến cảng với gần 44 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. Lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt khoảng 286,4 triệu tấn, đạt 81,3%so với kế hoạch năm 2014. |
Ông Bùi Việt Hoài, Phó TGĐ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cho rằng hạ tầng cơ sở logistics Việt Nam nói chung còn nghèo nàn, manh mún và bố trí bất hợp lý. Theo đó, đường bộ không được thiết kế để vận chuyển container; năng lực vận tải đường sắt không được vận dụng hiệu quả do chưa được hiện đại hóa; đường hàng không chưa đủ phương tiện chở hàng... Về hệ thống cảng biển, mặc dù có nhiều cảng, song chỉ khoảng 10% có thể tham gia vào vận tải quốc tế. Chưa kể, tổ chức quản lý hiện còn chồng chéo, nguồn nhân lực hoạt động logistic đang thiếu trầm trọng do quy mô các tổ chức logistics ở Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ.
Thừa nhận những khó khăn trên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ: Nhiều DN đã chọn địa điểm đặt nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ vì nơi đây có cụm cảng quốc tế như cảng Tổng hợp Thị Vải, Tân cảng Cái Mép, cảng Phú Mỹ... có thể đáp ứng nhu cầu XNK hàng hóa của DN. Thế nhưng, thực tế lại có rất ít các hãng tàu chuyên chở container chạy tuyến quốc tế cập các cảng này. “Chúng tôi phải vận chuyển hàng hóa với tổng quãng đường khoảng 160 km từ KCN Phú Mỹ đến cụm cảng TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Điều này làm chi phí vận chuyển tăng lên gấp 3 lần, từ 1,8 triệu đồng/container (24 tấn) lên 4,6 triệu đồng/container (24 tấn). Điều này vừa giảm sức cạnh tranh của DN XNK vừa gây kẹt xe nghiêm trọng trên các tuyến đường vận chuyển và gây quá tải tại cụm cảng TP Hồ Chí Minh”, ông Vũ nói.
Cần sự hỗ trợ của nhiều phíaÔng Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng các tiêu chí của Chỉ số hiệu quả Logistics vẫn chưa được cải thiện trong 7 năm qua nên chỉ số thuận lợi Thương mại (EIT) của Việt Nam vẫn xếp hạng thấp hơn mức bình quân của thế giới. Trong khi đó, Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ ban hành tháng 3/2014 đặt mục tiêu giảm thời gian XNK từ mức hiện nay là 21 ngày xuống mức bình quân của ASEAN - 6 còn 13 ngày vào năm 2015. Theo đó, nếu Việt Nam không ưu tiên cải cách hạ tầng giao thông và hậu cần, đơn giản hóa các thủ tục thì logistics Việt Nam sẽ không phát huy được lợi thế và cạnh tranh khi gia nhập các hiệp định sắp tới đây.
Trong khi đó, theo ông Lê Phước Vũ, để tháo gỡ nút thắt nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các DN, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ cần có chính sách vận hành hệ thống cảng một cách hợp lý hơn để vừa giảm được chi phí vận chuyển, vừa tránh quá tải ở một số cảng. Đặc biệt, cần có biện pháp để kiểm soát việc thu cước tàu và phụ phí đối với các hãng tàu nhằm đảm bảo các loại cước phí được ổn định trong một khung giá nhất định. Trong trường hợp có sự biến động về cước tàu và các loại phụ phí, cần thông báo trước một thời gian đủ dài để DN có sự chuẩn bị.
Còn ông Ngô Thanh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, cho rằng cần chọn khâu đột phá trong các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng. Theo đó, các cửa XNK hàng hóa chính là nơi cần thay đổi mà không cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian. “Chỉ riêng việc rút ngắn được thời gian làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu cho hàng hóa XNK là đã tăng năng suất lao động, vòng quay của đồng vốn, hạ thấp chi phí sản xuất và kinh doanh...”, ông Minh nói.
Bài và ảnh: Hải Yên