Đó là khẳng định của Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long khi trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại là đơn vị được giao xây dựng và thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Ông nhận định thế nào về nhiệm vụ này, thưa ông?
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế, tín nhiệm quốc gia, thúc đẩy tuyên truyền tới nhà đầu tư, cộng đồng quốc tế về triển vọng kinh tế của Việt Nam, tạo điều kiện cho việc Chính phủ tiếp cận thị trường vốn quốc tế, ngày 6/2/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 304/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Trong hơn 8 năm triển khai đề án, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn nhất là Moody’s, S&P và Fitch ngày càng tin cậy và bền vững hơn. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế nhiều biến động và thách thức, hiệu quả việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia liên tục được tăng cường, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng của Việt Nam có nhiều cải thiện qua các năm.
Tính đến hết năm 2021, kết quả hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đối với tổ chức Moody’s ở mức Ba3 triển vọng Tích cực, nâng hai bậc; tổ chức Fitch ở mức BB triển vọng Tích cực, nâng hai bậc; tổ chức S&P nâng một bậc so năm 2013.
Các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến hế số tín nhiệm của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng là nền kinh tế đa dạng với triển vọng tăng trưởng tốt, vị thế tài khóa ổn định, nợ công bền vững, vị thế tài chính đối ngoại tích cực với nguồn vốn FDI mạnh mẽ, hoạt động xuất khẩu năng động, chất lượng thể chế được cải thiện. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành trong việc tăng cường trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Trong giai đoạn tới, xét bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, và sẽ dần phụ thuộc nhiều hơn vào vay thương mại nước ngoài, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ giúp Chính phủ, doanh nghiệp, định chế tài chính và các tổ chức tín dụng đạt hiệu quả chi phí cao hơn khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Thực hiện mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 về việc "nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đề án đã đề ra mục tiêu, định hướng phấn đấu cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, qua đó được kỳ vọng sẽ tạo động lực tích cực theo từng ngành, lĩnh vực, tạo triển vọng cho việc cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong trung và dài hạn.
Ông có thể cho biết, mục tiêu và những bước đi cụ thể trong việc cải thiện chỉ số tín xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam mà Bộ Tài chính đã xác định tại đề án này?
Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đặt ra mục tiêu tổng quát bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; thể chế quản lý ngày càng hoàn thiện, phát triển kinh tế mạnh mẽ trên cơ sở khoa học công nghệ, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia. Mục tiêu cụ thể tới năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB - (đối với S&P và Fitch) trở lên.
Qua nghiên cứu phương pháp luận của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, cả ba tổ chức Moody’s, S&P và Fitch đều xem xét xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở bốn nhân tố chính gồm có: năng lực thể chế (tỷ trọng từ 17-25%), hiệu quả hoạt động kinh tế và tiền tệ (tỷ trọng từ 22-42%), tài chính công (tài khoá và nợ công) (tỷ trọng 18-30%) và tài chính đối ngoại (tỷ trọng 18-24%). Các nhân tố này được đánh giá trên phương diện định lượng và định tính, chấm điểm hồ sơ tín dụng để đưa ra mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Như vậy, để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư, Đề án đã đề xuất các chỉ tiêu cụ thể về tài khóa, tiền tệ, ngân hàng, xã hội, môi trường để cải thiện các nhân tố chính trong hồ sơ tín dụng nêu trên.
Việc đạt định mức xếp hạng Đầu tư của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ để hỗ trợ các chỉ số kinh tế và mở rộng cơ sở thu ngân sách bền vững nhằm hỗ trợ nền tảng tài khóa của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam trong những năm trước đại dịch, cùng với thành quả kinh tế vượt trội so với các nước cùng mức xếp hạng trong bối cảnh đại dịch năm 2020, đã góp phần khiến các tổ chức xếp hạng nâng triển vọng tín nhiệm của nước ta lên Tích cực trong năm 2021.
Trong thời gian tới, cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia hướng tới định mức Đầu tư nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào tốc độ cải thiện GDP bình quân đầu người so với các nước cùng mức xếp hạng; duy trì thành quả hiện tại trong việc bồi đắp tiềm năng tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong 5-10 năm tới.
Bên cạnh đó, một số nhóm giải pháp chính nhằm hướng tới mức xếp hạng Đầu tư bao gồm cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, tăng cường công khai, minh bạch dữ liệu phù hợp thông lệ quốc tế; xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa; cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước. Đề án còn đề ra giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế.
Như vậy, để đạt được mục tiêu cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư cần có tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của toàn bộ các ngành, lĩnh vực, phủ rộng các hoạt động về kinh tế, tài chính – tiền tệ, an sinh xã hội, chất lượng thể chế, quản trị, môi trường…
Một số tổ chức tài chính quốc tế từng có nhận định rằng lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam để đạt được mức Đầu tư trong 10 năm tới sẽ bao gồm sự kết hợp giữa các mục tiêu định lượng và định tính. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này? Chiến lược của Việt Nam về các mục tiêu này như thế nào?
Hệ số tín nhiệm quốc gia phản ánh khả năng và mức độ sẵn sàng trong tương lai của một quốc gia trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của chính phủ một cách đầy đủ, đúng hạn. Hệ số này là thước đo định tính về khả năng vỡ nợ của chính phủ do các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra dựa trên đánh giá định lượng về các chỉ số nợ, thu chi ngân sách, dự trữ ngoại hối, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, đầu tư, lãi suất... cũng như đánh giá định tính về các nhân tố phụ gồm có rủi ro chính trị, rủi ro thanh khoản chính phủ, rủi ro hệ thống ngân hàng và rủi ro dễ tổn thương với các yếu tố bên ngoài. Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như là một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia.
Vì vậy, để hướng tới mục tiêu xếp hạng Đầu tư, ngoài mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì và nâng cao sức mạnh kinh tế phải đi đôi với cải thiện chất lượng thể chế và quản trị, nâng cao chất lượng hoạch định chính sách, luôn sẵn sàng linh hoạt đối phó với rủi ro đại dịch toàn cầu kéo dài và trầm trọng hơn.
Các yếu tố định tính chiếm tỷ trọng cao trong việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh việc phấn đấu, đạt được những chỉ tiêu cụ thể về định lượng, việc liên tục nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, chủ động công bố, chia sẻ với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư thông tin tích cực về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện phạm vi, tần suất và tính kịp thời của việc công khai dữ liệu theo thông lệ tốt của quốc tế là hết sức quan trọng.
Việc Việt Nam được gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều khả năng mới để quản lý nợ chủ động, hiệu quả. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu trong nước đem lại cơ hội huy động nợ tương đối dài hạn với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những rủi ro mang tính cấu trúc của thị trường vốn trong nước. Bên cạnh đó, khủng hoảng COVID-19 đặt ra nhu cầu huy động tài chính ngoài dự kiến trong ngắn hạn và trung hạn; trong điều kiện Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện vay IDA và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu nâng cao hệ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một quá trình thường xuyên, liên tục với tầm nhìn dài hạn nhằm giảm được chi phí huy động vốn, tăng cường uy tín quốc gia trên trường quốc tế và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Vì vậy, Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi các chiến lược, mục tiêu đã đề ra tại Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xin cảm ơn ông!