Tại Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội
vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 được tổ chức tại Hà Nội,
chiều 25/6, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch - Bộ Kế
hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn 2014-2020, vùng kinh tế trọng điểm
(KTTĐ) Bắc Bộ sẽ cần 1.830 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế xã hội;
trong đó, riêng giai đoạn 2014-2015, cần 400 nghìn tỷ đồng; giai đoạn
2016-2020 cần 1.430 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông -
vận tải, xử lý rác thải, nước thải, thủy lợi, cơ sở phát điện…
Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đặng Huy Đông nhấn mạnh, vùng KTTĐ Bắc Bộ là nơi thực hiện công cuộc tái
cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ của cả nước. Yêu cầu
phát triển đối với vùng KTTĐ Bắc Bộ là tăng trưởng nhanh, tạo ra sức đột
phá, tạo ra khả năng lôi kéo mạnh các vùng và địa phương khác cùng phát
triển, đặc biệt là toàn bộ miền Bắc.
Theo công bố, mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020; tăng trưởng GDP
bình quân thời kỳ 2011-2015 đạt 7,5% và thời kỳ 2016-2020 đạt 9%; GDP
bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.200-3.500 USD, đến năm 2020 đạt
5.500 USD.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
đến năm 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 7,7%, công nghiệp-
xây dựng 48,3% và dịch vụ 44%; đến năm 2020 có tỷ trọng tương ứng là
5,5% - 49,1% và 45,5%.
Trong Quy hoạch
Tổng thể cũng nêu rõ giải pháp về phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng
lực cạnh tranh. Theo đó, vùng KTTĐ Bắc Bộ phải là nơi đi đầu trong việc
cải cách môi trường kinh doanh; khẩn trương xây dựng cơ chế và nội dung
phối hợp giữa các ngành với UBND các cấp để thực hiện ngay và nghiêm
túc công tác hậu kiểm nhằm đánh giá, điều chỉnh và bổ sung chính sách hỗ
trợ DN nhỏ và vừa. Đối với thu hút các doanh nghiệp FDI, các địa phương
cần phối hợp với nhau để tổ chức các chương trình vận động chung, tránh
các xung đột, cạnh tranh giữa các địa phương.
Giai đoạn 10 năm 2020-2030, vùng KTTĐ Bắc Bộ sẽ tập trung phát
triển các ngành dịch vụ hiện đại và hệ thống đường cao tốc, tuyến đường
sắt cao tốc, cảng hàng không hiện đại tại Vân Đồn hoặc Tiên Lãng khi
cảng Nội Bài mãn tải. Tổng số vốn được huy động và sử dụng dự kiến vào
khoảng 5.900-6.000 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 27-28% GDP của cả
vùng; trong đó số ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng
chiếm khoảng 45-50%.
Thúy Hiền