Cận cảnh nâng cấp mặt đường QL5 ngay trước mũi hàng đoàn xe rầm rập chạy

Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường Quốc lộ (QL)5 do Ban Quản lý dự án sửa chữa QL5 (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI) triển khai từ năm 2021, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành ngày 30/4/2024. Quá trình thi công dự án hiện nay vừa phải triển khai các biện pháp kỹ thuật tiêu chuẩn, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông vì lưu lương xe trên tuyến lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.

Video Cận cảnh thi công QL5 trước làn xe rầm rập: 

Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường QL5 có tổng mức đầu tư đầu tư hơn 840 tỷ đồng, với 9 gói thầu; hiện đã hoàn thành 5 gói thầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các gói thầu XL01 sửa chữa nút giao từ km47+460, km47+0 - km48+40, gói thầu XL02 sửa chữa nút giao km23+120, km40+230, gói thầu XL03 thay thế dải phân cách giữa km92+700 - km104+600, các nhà thầu hiện đã hoàn thành khối lượng trên hiện trường và đang trong trong thời gian bảo hành. 

Đối với 2 gói thầu XL04, XL05, những gói thầu quan trọng nhất của dự án, sửa chữa mặt đường đoạn km 46 - km 54 và nút giao Hưng Yên; sữa chữa mặt đường đoạn km54 - km65, nhà thầu đã hoàn thành đưa vào vận hành. 

Gói thầu XL06A sửa chữa nút giao km73+30, thi công bó vỉa đoạn km65 - km76 và gói thầu XL06B sửa chữa mặt đường đoạn km65 - km76 đang được Ban Quản lý dự án sửa chữa QL5 tập trung thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2024. Hai gói thầu XL07A, XL07B xây dựng công trình phòng hộ, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, hàng rào hộ lan, trồng cây dải phân cách giữa... trên QL5 qua tỉnh Hải Dương đang gấp rút hoàn thành.

Chú thích ảnh
Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường QL5 có tổng mức đầu tư đầu tư hơn 840 tỷ đồng, với 9 gói thầu; hiện đã hoàn thành 5 gói thầu.
Chú thích ảnh
Dự án đang vừa thi công, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông do lưu lượng xe trên tuyến QL5 hàng ngày lớn. 
Chú thích ảnh
Đơn vị thi công luôn phải chốt trực nhân sự điều tiết, phân luồng, báo hiệu, tín hiệu giao thông... để hạn chế tốc độ, cảnh báo nguy hiểm.
Chú thích ảnh
Hạng mục dự án cào bóc tách mặt đường cũ bị rạn nứt, gồ "sống trâu", hằn lún vét bánh xe... để thảm mới lại mặt đường êm thuận. 
Chú thích ảnh
Các gói thầu thi công ngay trước mũi hàng đoàn xe trọng tải lớn chạy rầm rập hàng ngày.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), QL5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Do lưu lượng xe trên tuyến hiện nay khoảng 60.000 xe quy đổi ngày/đêm, trong đó chủ yếu là các loại xe tải trọng lớn, được đưa vào khai thác từ năm 1998, nên nhiều đoạn tuyến trên QL5 đã rạn nứt, hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều "ổ voi", "ổ gà", "sống trâu", hằn lún vệt bánh xe... gây mất an toàn giao thông, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp mặt đường QL5 là yêu cầu cấp thiết. Cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu VIDIFI chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị máy móc, thiết bị đảm bảo tiến độ đề ra.

Chú thích ảnh
Máy rải thảm đá dăm chuyên dụng thi công trên tuyến. 
Chú thích ảnh
Công nhân đơn vị thi công vừa cào bóc tách mặt đường, vửa rải thảm đá dăm cuốn chiếu, đảm bảo tiến độ. 
Chú thích ảnh
Cận cảnh công nhân thi công trên tuyến, ngay trước mũi xe đầu kéo chạy rầm rập.
Chú thích ảnh
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trong, nhà thầu buộc phải chọn những thời điểm thi công phù hợp như ban đêm, giờ thấp điểm, cuối tuần...
Chú thích ảnh
Tuyến đường thi công trong điều kiện hạn chế, lưu lượng xe lớn, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chú thích ảnh
Giờ cao điểm hàng ngày từ 6 - 8 giờ sáng, 17 - 19 giờ 30 phút, là thời điểm xe container, xe đầu kéo tăng đột biến. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án sửa chữa QL5, kể từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường này chưa từng một lần được sửa chữa trung, đại tu, nên không chỉ xuống cấp, mà còn thường xuyên ùn tắc, gây bức xúc dư luận và người tham gia giao thông. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, VIDIFI đã triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường QL5, trong đó, tập trung những đoạn xung yếu, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là đoạn từ km46 - đến km65 và các nút giao qua tỉnh Hải Dương.

"Do đây là tuyến cửa ngõ các tỉnh Đông Bắc ra vào Hà Nội, lưu lượng xe lưu thông hàng ngày lớn, vừa phải thi công, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, nên các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn. Từ cuối 2021 đến nay, việc thi công của các nhà thầu buộc phải lựa chọn các thời điểm trong ngày thích hợp, các vị trí thích hợp để thi công cuốn chiếu như: Ban đêm, giờ thấp điểm, cuối tuần, tránh giờ cao điểm từ 6 - 8 giờ sáng, 17 - 19 giờ 30 phút hàng ngày, thời điểm xe container, xe đầu kéo tăng đột biến... để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc, ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông", ông Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ. 

Bên cạnh đó, đối với các đoạn tuyến, vị trí đường đã được cào bóc, bó vỉa, chỉnh trang luôn phải chốt trực nhân sự điều tiết, phân luồng, cắm biển báo hiệu, tín hiệu giao thông... để hạn chế tốc độ, cảnh báo nguy hiểm. Mỗi gói thầu triển khai đều được các nhà thầu giới hạn chiều dài thi công dưới 300 m/lần, thi công lệch làn giữa các đoạn giữa các đơn vị, nhà thầu khác nhau.

Chú thích ảnh
Tình trạng mặt đường QL5 rạn nứt, hằn lún vệt bánh xe kéo dài trước khi được đơn vị thi công cào bóc tách mặt đường, nâng cấp, sửa chữa.
Chú thích ảnh
Đoạn tuyến dự án đã hoàn thành nâng cấp mặt đường, đang thử tải nối với đoạn tuyến đang thi công.
Chú thích ảnh
Đoạn tuyến dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành êm thuận, được dư luận và địa phương đánh giá cao.
Chú thích ảnh
Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường QL5 dự kiến hoàn thành ngày 30/4/2024.
Chú thích ảnh
Đoạn tuyến QL5 đã hoàn thành đồng bộ các hàng mục dự án hướng về Hà Nội.
Chú thích ảnh
QL5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. 

Có mặt trên công trường dự án những ngày cuối tháng 12/2023, phóng viên ghi nhận hình ảnh cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 703 đang tập trung tổ chức 2 mũi thi công sửa chữa mặt đường QL5 đoạn km 65 - km76 qua huyện Kìm Thành (Hải Dương), với hàng trăm nhân lực, đầu máy móc, thiết bị chuyên dụng các loại... ngay trước mũi hàng đoàn xe tải trọng lớn chạy rầm rập, song song trên tuyến đường... 

Để bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất ùn tắc và tai nạn giao thông, các đơn vị thi công đề nghị người tham gia giao thông chủ động sắp xếp thời gian, lịch trình di chuyển. Công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại những khu vực đang thi công có thể đi làm sớm hơn bình thường từ khoảng 20 phút để giãn mật độ phương tiện vào giờ cao điểm...

Bài, ảnh, video: Tiến Hiếu/Báo Tin tức
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ áp dụng thu phí điện tử không dừng từ ngày 5/5
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ áp dụng thu phí điện tử không dừng từ ngày 5/5

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải triển khai ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại văn bản số 8544/VPCP-CN ngày 22/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC), Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) đã đề xuất lựa chọn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm từ ngày 5/5 và đã được Bộ GTVT chấp thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN