Cận cảnh nội thất toa tàu, biểu đồ chạy tàu, biển hướng dẫn quy trình sử dụng trên tàu... trước khi tuyến đường sắt vận hành thương mại được phóng viên ghi nhận tại dự án:
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành trong quý II/2021. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu vào ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.
Ga Cát Linh là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, gồm hai tầng, để lên nhà ga từ dưới hè đường, hành khách có thể dùng thang máy hoặc thang bộ. Tầng 1 là khu vực khách mua vé tàu, đi qua cổng soát vé và có thể nghỉ ngơi, sử dụng khu vệ sinh dành cho hành khách, sau đó lên tầng 2 để chờ tàu. Mặt bằng 2 tầng nhà ga đều bố trí nhân viên trực hướng dẫn hành khách và thông qua bằng hệ thống loa phát thanh như tại sân bay (có thang máy thẳng dành riêng, lối dẫn định hướng cho người khuyết tật).
Ngoài ga Cát Linh, 11 nhà ga trên tuyến đều bố trí song song quầy bán vé trực tiếp và máy bán vé tự động cho hành khách. Máy bán vé tự động được hiển thị bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hành khách chỉ cần chọn ga đến và đưa tiền vào máy để nhận vé, biên lai, tiền thừa.
Trong thời gian chờ vận hành thương mại, các đoàn tàu tiếp tục được vận hành trên chính tuyến vào ban ngày, ban tối theo kế hoạch của chủ đầu tư và tổng thầu vận hành để duy trì hoạt động của hệ thống thiết bị (điện, thông tin tín hiệu, đoàn tàu...). Khi dự án được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động theo biểu đồ được Sở GTVT Hà Nội quản lý, chấp thuận và sẽ hoạt động liên tục từ 5 - 23 giờ hàng ngày.
Giá vé dự kiến ở mức 8.000 - 15.000 đồng/vé lượt, 30.000 đồng/vé ngày và 200.000 đồng/vé tháng dành cho khách phổ thông. Ngoài ra, sẽ có cơ chế miễn, giảm giá vé cho đối tượng ưu tiên.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, hai ga đầu là Cát Linh (Phố Cát Linh) và Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa), với 12 nhà ga, khoảng cách trung bình giữa hai ga là hơn 1 km. Tổng số có 13 đoàn tàu được chế tạo theo phạm vi dự án, mỗi đoàn có 4 toa tàu, với sức chở tối đa 960 hành khách (152 chỗ ngồi, 808 chỗ đứng). Trên mỗi toa tàu có các vị trí ghế ngồi dành cho khách ưu tiên (người khuyết tật, trẻ em, người già, phụ nữ) và vị trí cho người khuyết tật dùng xe lăn.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro, đơn vị khai thác vận hành), dự án đang trong giai đoạn kiểm đếm tài sản, hồ sơ để bàn giao đưa vào khai thác thương mại. Khi dự án được đưa vào khai thác thương mại, tại các nhà ga sẽ bố trí thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ khách đi tàu, như máy rút tiền tự động ATM, máy bán hàng tự động, cửa hàng ăn nhanh, quầy hàng thời trang, đồ lưu niệm, các biển quảng cáo, giới thiệu sản phẩm... Ngoài ra, công ty cũng tổ chức trông giữ xe máy, xe đạp cho khách đi tàu trong phạm vi thuộc mặt bằng các nhà ga.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, dự kiến lượng khách đi lại trên tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lớn. Để đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại. Việc điều chỉnh luồng tuyến đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc. Cụ thể, có 3 kịch bản kết nối được đưa ra: 15 ngày đầu chạy miễn phí; sau thời gian chạy miễn phí khi vận hành 10 đoàn tàu; khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động khoảng 2 tiếng.
Kịch bản số 1, Sở GTVT sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị trong 15 ngày đầu vận hành thương mại.
Kịch bản thứ 2, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), đảm bảo theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau.
Kịch bản thứ 3, khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng: Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng (trong 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại) sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2.
Để tổ chức giao thông tăng tính kết nối, tiếp cận, Sở GTVT Hà Nội dự kiến cấm ô tô (trừ xe buýt) trên đường Giảng Võ nhỏ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để tạo hành lang bổ sung tăng cường cho các tuyến xe buýt lưu thông kết nối ga Cát Linh với điểm trung chuyển Kim Mã và ngược lại; giải tỏa việc lấn chiếm hành lang vỉa hè, cải tạo lại vỉa hè trên đoạn tuyến Giảng Võ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để hành khách có không gian đi bộ từ ga Cát Linh tiếp cận với điểm trung chuyển xe buýt tại số 1 Kim Mã...
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), quá trình thực hiện được điều chỉnh lên 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 8,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc (giá trị 669,62 triệu USD) và 198,42 triệu USD vốn đối ứng trong nước. Từ năm 2008 đến tháng 8/2014, dự án do Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư; tháng 8/2014, do Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thỏa thuận hợp đồng được Cục Đường sắt VN ký với tổng thầu vào tháng 2/2009, các điều khoản hợp đồng được các bên hoàn tất và ký vào tháng 5/2010. Dự án được chính thức khởi công ngày 10/10/2010; tháng 8/2015 hoàn thành giải phóng mặt bằng; tháng 8/2016 nối thông dầm trên cao toàn tuyến; tháng 1/2017 nối thông đường ray toàn tuyến; tháng 7/2018 thông điện toàn tuyến; tháng 10/2020, tổng thầu hoàn thành 20 ngày chạy tàu theo biểu đồ vận hành. Ngày 31/3/2021, bắt đầu quá trình kiểm đếm hồ sơ, tài sản dự án để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác, vận hành.