Việc phát triển loại cây Maccadamia (mắc ca) mới chỉ dừng ở chủ trương kêu gọi còn về đầu tư vốn, kỹ thuật, công nghệ chế biến, cũng như xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm này vẫn chưa được các ngành liên quan chú trọng. Điều đó cho thấy, việc phát triển mắc ca thành ngành sản xuất lớn ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và còn chờ một "cú hích". Hẳn nhiều người còn nhớ, chủ trương phát triển và trồng cây cao su ở các tỉnh Tây Bắc xác định sẽ tạo hướng đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng. Nhưng giấc mơ “vàng trắng” của người dân nghèo nơi đây đã bị vỡ tan bởi tư tưởng nóng vội, phát triển cao su theo phong trào ở các địa phương.
Quả mắc ca tươi.Ảnh:Anh Dũng |
Mắc ca là một sản phẩm cao cấp nên khâu chế biến là rất quan trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Quả hạch và hoa quả sấy thế giới (INC), năm 2014, tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới đạt trên 145.000 tấn hạt, tương đương khoảng 820 triệu USD về giá trị. Từ 820 triệu USD mắc ca nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến sẽ nâng giá trị các sản phẩm sau chế biến từ 5 lên 40 lần, tức là có thể đạt tới nhiều chục tỷ USD mỗi năm.
Hiện nay, giá quả mắc ca tại Việt Nam chỉ vào khoảng 2,5 USD/kg, nhưng trên thế giới là 15 USD/kg. Điều này chứng tỏ khâu chế biến mắc ca rất quan trọng. Nếu như Việt Nam chỉ quan tâm đến việc mở rộng diện tích ồ ạt mà không đồng hành để có biện pháp thu mua, chế biến và xuất khẩu thì giá chắc chắc sẽ giảm và không đạt được giá là 2,5 USD/kg như hiện nay.
Để tránh cảnh “được mùa, mất giá” hoặc thu hoạch xong không biết bán cho ai, việc phát triển loại cây mới này cũng cần phải có những cơ chế mới, liên kết chặt chẽ giữa người trồng với các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp phải là nòng cốt. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, do đó việc xác định những loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh là điều rất quan trọng, nhất là khu vực có đa phần là dân cư nghèo, gặp khó trong phát triển sản xuất như Tây Nguyên, Tây Bắc. Nếu phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, làm sao đồng bào trồng cây trên vùng Tây Bắc, Tây Nguyên được chia sẻ những giá trị gia tăng về sau một cách bền vững.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, vai trò của doanh nghiệp phải có ở tất cả các khâu, trước hết là giống, trong khâu giống, khâu chuyển giao kỹ thuật cũng rất quan trọng bởi cần làm sao để ra được ít nhất 2 tấn quả/ha thì mới có hiệu quả. “Sau khi trồng phải thu mua chế biến, kinh doanh và tất cả các khâu phải có dấu ấn, vai trò của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tham gia tất cả khâu đó thì chuỗi giá trị mới thành công” - ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.
Đứng trên góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cũng cho rằng, cần tránh tình trạng trồng ồ ạt, không tiêu thụ được. Do vậy, tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, xây dựng chuỗi trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, xác lập được thị trường, đảm bảo đầu ra cho mắc ca là yếu tố then chốt để tạo sự bền vững cho loại cây này.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây giống và trồng cây mắc ca như là Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La, Công ty giống cây trồng Ba Vì, Công ty cổ phần Mắc ca Điện Biên, Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) và các đơn vị, cá nhân khác đã lựa chọn sản xuất cây giống và trồng cây mắc ca. Nhưng doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư vào công đoạn chế biến, thu mua hoặc chung tay trồng cùng nông dân thì vẫn chưa thấy đâu. Ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: Thực tế hiện các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này còn khiêm tốn, vì vậy cần chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thu hút doanh nghiệp vào chuỗi giá trị này. Nếu không có doanh nghiệp tham gia thì chuỗi giá trị sẽ không thành công.q
Bích Hồng