Mặc dù đã được chứng nhận là sản phẩm an toàn nhưng cá vẫn chưa thể tìm được đầu ra. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo tính toán sơ bộ, số lượng cá còn tồn trong các kho cấp đông lạnh ở Quảng Bình vào khoảng 2.000 tấn, riêng huyện Bố Trạch là 1.000 tấn. Có thể nói, chưa bao giờ những người kinh doanh hải sản lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại.
Kho đông lạnh Phước Sang của bà Hoàng Thị Hương ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình là một trong những kho đông lạnh lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển, hàng trăm tấn cá nằm trong kho đông lạnh không thể xuất bán. Nhiều hợp đồng với nước ngoài lần lượt bị hủy. Với trên 400 tấn cá tồn kho, riêng tiền điện, mỗi tháng cơ sở này phải tiêu tốn trên 200 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền gần 400 triệu đồng mà bà Hương phải bỏ ra để thanh toán cho gần 100 lao động thường xuyên tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Hương, Giám đốc Công ty chế biến thủy hải sản Phước Sang, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tuy cá trong kho của công ty đã được lấy mẫu đi kiểm định và có kết quả an toàn, nhưng hiện nay thị trường tại 4 tỉnh miền trung vẫn chưa tiêu thụ được. Vậy giải quyết vấn đề này ra sao?”
Cũng như bà Hương, bà Nguyễn Thị Nê, chủ cơ sở đông lạnh An Bình, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cá nhập về đầy kho đã hơn 5 tháng nay nhưng không tiêu thụ được. “Hiện nay, mặc dù chưa tiêu thụ được hải sản nhưng ngư dân vẫn ra khơi đánh cá và khi họ về chúng tôi vẫn nhận hàng vào cấp đông. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn mà Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì có lẽ chúng tôi phá sản và không thể nhận hàng cho ngư dân được nữa”, bà Nê tâm sự.
Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch đã có nhiều đợt kiểm tra tình hình các kho hàng hóa. Nhưng với số lượng lớn hải sản đông lạnh tồn kho như hiện nay, khó khăn lại tiếp tục dồn lên các chủ hàng và hiện đơn vị vẫn chưa có giải pháp tối ưu cho việc này.
Ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho hay: "Hiện nay, do tập trung thu mua hải sản cho ngư dân đi đánh bắt ở vùng biển xa, nên các kho đông lạnh của các cơ sở thu mua đã quá tải. Các cơ sở này cũng hết nguồn lực để có thể thu mua tiếp cho bà con. Nên chúng tôi hy vọng Nhà nước, Chính phủ và các cấp cần có cơ chế hỗ trợ các đối tượng này, để họ có điều kiện tiếp tục thu mua cá cho người dân đi biển…”.
Nếu không sớm có các chính sách hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở cấp đông thì trong thời gian tới, hàng nghìn tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ trở về các cảng biển ở Quảng Bình sẽ gặp muôn vàn những khó khăn trong việc xuất bán cá. Đây có lẽ là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Bình.