Chủ trương của Chính phủ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo cho vụ đông xuân 2014-2015 được cơ quan chức năng và người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đánh giá là đúng đắn và kịp thời. Việc giữ được giá lúa ổn định đã giúp nông dân vẫn có lãi trong thời điểm thu hoạch rộ.Nông dân vẫn có lãiNhững ngày này, dọc theo các tuyến đường về các tỉnh miền Tây, người dân dễ nhìn thấy những bao lúa chất cao chờ xe đến chở hoặc những đệm lúa phơi vàng cặp theo đường lộ. “Thương lái thu mua chậm quá nên tôi phải phơi để trữ lại, chờ giá lên mới gọi thương lái đến để cân”, anh Trần Văn Mến ở xã Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng, Long An) nói. Theo anh Mến, vụ đông xuân này, anh thu hoạch được hơn 18 tấn lúa trên diện tích 2 ha ruộng của mình.
“Vụ này ai cũng trúng mùa, thấp nhất cũng đạt 6 tấn/ha. Nhưng hiện tại, thương lái thu mua chậm lắm. Nông dân cũng có lãi nhưng không nhiều”, anh Mến cho biết. Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (xã Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang), vụ đông xuân này bà thu hoạch được khoảng 10 tấn lúa IR 50404 trên 1ha, năng suất cao nhất từ trước đến nay. “Thương lái thu mua lúa tại ruộng với giá 4.250 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi gần 20 triệu đồng”.
Thu hoạch lúa đông xuân ở Hậu Giang. Ảnh: Xuân Dự-TTXVN |
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, chính sách tạm trữ lúa gạo đã khiến giá lúa ổn định. Nếu không có chính sách tạm trữ lúa thì chắc chắn giá lúa sẽ giảm và nông dân sẽ bị lỗ. Tính trung bình thì lợi nhuận của bà con vụ này khoảng 20%.
Bà Trần Thanh Nga, Giám đốc Công ty Thành Tín (Sóc Trăng) khẳng định chủ trương thu mua tạm trữ là chủ trương rất đúng, cả doanh nghiệp và nông dân đều có lợi. “Doanh nghiệp được lợi là tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để thu mua, bao tiêu kịp thời cho dân, còn với người dân thì giá lúa nhích lên, tiêu thụ dễ hơn. Nếu không có thu mua tạm trữ thì giá lúa sẽ còn giảm nữa và người dân còn lỗ hơn”, bà Nga cho biết.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá lúa hạt dài thu mua tại ruộng (lúa tươi) trước thời điểm thu mua tạm trữ dao động từ 4.400 - 4.600 đồng/kg, đầu thời gian thu mua tạm trữ đã tăng lên từ 100 - 200 đồng/kg, dao động trong khoảng 4.500 - 4.800 đồng/kg và vào thời điểm này vẫn còn giữ ở mức 4.200 – 4.500 đồng/kg. Như vậy, với mức giá này, việc thu mua tạm trữ đã phần nào giúp giữ giá khá ổn định dù lượng cung đang rất lớn.
Nên để nông dân dự trữ?Theo các địa phương, vụ đông xuân này các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều trúng mùa, sản lượng lúa cao nhưng Chính phủ chỉ mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo thì chưa “thấm” vào đâu so với tổng sản lượng. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, lượng lúa hàng hoá trong vụ đông xuân rất lớn nhưng tỉnh chỉ được phân bổ 80.000 tấn quy gạo thì quá ít. Tỉnh cũng đã kiến nghị với Hiệp hội lương thực Việt Nam tăng lên 113.000 tấn quy gạo để giúp nông dân tiêu thụ lúa còn tồn đọng. Trong đợt thu mua tạm trữ này tỉnh Hậu Giang được giao chỉ tiêu 20.000 tấn gạo (tương đương 40.000 tấn lúa), một con số quá nhỏ so với sản lượng thu hoạch là 600.000 tấn. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang, cho biết, đến nay đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu thu mua tạm trữ 28.000 tấn quy gạo, đồng thời đang đề nghị Hiệp Hội lương thực Việt Nam phân bổ tiếp cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ thêm 10.000 tấn quy gạo nữa để đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, chương trình thu mua tạm trữ là đúng hướng, nhưng để hiệu quả hơn cần tính toán lại. “Qua nhiều năm theo dõi, vụ đông xuân hợp đồng xuất khẩu chủ yếu là gạo 15 - 25 % tấm. Nhưng vụ đông xuân lúa rất tốt nên không có gạo loại này, nên buộc các doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo tìm mua. Trong khi đó, ở vụ hè thu tới thì các đơn hàng xuất khẩu gạo yêu cầu chất lượng cao, mà lúc này tạm trữ lúa còn rất ít. Chính vì thế, cần phải xem bài toán tạm trữ của ta là có nên đưa lúa vụ 3 vào tạm trữ, vì đây là vụ gạo có chất lượng 25% tấm, để đến vụ đông xuân ta có gạo loại này xuất khẩu”, ông Đồng nói.
Với sản lượng ước đạt khoảng 11 triệu tấn lúa (tương đương hơn 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa) trong vụ đông xuân, nếu không kịp thời thu mua tạm trữ thì giá lúa sẽ xuống rất sâu và nông dân sẽ rất khó tiêu thụ lúa trong hoàn cảnh xuất khẩu đang giảm mạnh về lượng. |
Về cơ chế tạm trữ, theo ông Đồng, trước tiên là người trồng lúa cũng phải có dự trữ. Theo đó, người dân phải chịu dự trữ 20% nhưng nhà nước có chính sách hỗ trợ kho bãi, sân phơi cho họ. Tiếp theo, doanh nghiệp không cần phải hỗ trợ mà cần phải bắt buộc dự trữ (vì doanh nghiệp thực hiện mua bán) ít nhất cũng phải 30%. Như vậy, nông dân và doanh nghiệp dự trữ 50%. Cuối cùng, nhà nước cũng cần mua dự trữ 10 – 20%, sau đó cho doanh nghiệp đấu giá lại khi giá gạo tăng lên. Số lượng còn lại là do thị trường tự điều tiết. Cách làm này để tránh tình trạng tạo cơ chế cho một bộ phận doanh nghiệp tạo ra lợi ích nhóm và điều này cũng bắt người nông dân có trách nhiệm. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng phải tăng định mức vay cho người nông dân trồng lúa.
Còn theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang, hiện rất nhiều nông dân ở An Giang có ruộng đồng rộng lớn, có kho chứa và có tiềm năng dự trữ nên họ đã giữ lại lúa sau khi thu hoạch. “Vì vậy, thay vì giao trọng trách này cho doanh nghiệp, nên xem xét cho nông dân có điều kiện cũng được tạm trữ, được hưởng cơ chế chính sách như doanh nghiệp. Như vậy sẽ ít tác động khi nguồn cung quá lớn, người nông dân không phải qua trung gian và thương lái ép giá, giảm áp lực tồn kho của doanh nghiệp trong thời điểm thu hoạch rộ”, bà Tuyết đề nghị.
M.T-Anh Đức