Đóng gói sản phẩm cà phê tan Vina cafe. Ảnh: Kim Phương/TTXVN |
Theo ông Đỗ Hà Nam, "Bộ Tài chính đang áp thuế ở mặt hàng cà phê đóng gói. Trong khi đóng gói thể hiện sự văn minh, an toàn nhưng tôi băn khoăn văn minh hơn, sạch hơn lại phải đóng thuế. Nếu sản phẩm đắt thì người tiêu dùng sẽ giảm mua, thậm chí là không mua. Không biết sẽ thu được bao nhiêu tiền từ việc áp thuế này nhưng tôi chắc chắn người tiêu dùng vẫn có xu hướng sử dụng cà phê ở hàng quán và chỉ có số ít mua về nhà”.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, sản phẩm cà phê uống liền là dạng nước uống có lợi cho sức khỏe và có thể coi là sản phẩm thực phẩm chức năng. Qua các kênh siêu thị, các đơn vị chức năng nên tính xem nếu áp thuế măt hàng này sẽ thu được bao nhiêu trong khi lại tạo ra áp lực tâm lý cho người tiêu dùng. Bởi đây là sản phẩm trong nước không giống các loại nước ngọt và sản phẩm cà phê uống liền có nguyên liệu từ cà phê là rất cao.
"Chúng ta đang khuyến khích đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để làm sao nông dân được hưởng lợi và có thu nhập tốt hơn nhưng nay lại đánh thuế. Theo tôi cần phải coi lợi ích của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng", ông Nam bày tỏ.
Cà phê vẫn là một trong những nông sản chủ lực, có thế mạnh lớn của Việt Nam. Mỗi năm, ngành cà phê thu được từ xuất khẩu mặt hàng này hàng tỷ đô la Mỹ nhưng phần lớn xuất khẩu vẫn ở dạng thô; tỷ lệ chế biến giá trị gia tăng vẫn rất thấp. Cà phê uống liền được coi là mặt hàng chế biến giá trị gia tăng, có lợi cho nhà nước, cho nông dân.
“ Chính phủ, ngành nông nghiệp đang khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư máy móc vào chế biến để nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản thì lại bị áp thuế. Như vậy, có khác nào bảo doanh nghiệp không đầu tư nữa”, ông Nam nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2017, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,02 triệu tấn với 2,33 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất.