Theo đó, 18,5 tấn sầu riêng Ri6 đầu tiên của Hợp tác xã Trường Phát (quận Ô Môn) được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn liên kết thu mua với giá 77.000 đồng/kg và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Không giấu được niềm phấn khởi khi sầu riêng của Hợp tác xã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Trần Thiện Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Phát cho biết, đơn vị được cấp 2 mã vùng trồng sầu riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để hợp tác xã liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn xuất khẩu sầu riêng với giá bằng đến cao hơn giá thị trường trong suốt vụ.
Thời gian tới, hợp tác xã cam kết thực hiện đúng hợp đồng, đảm bảo sản phẩm an toàn, không sử dụng thuốc ngoài danh mục, hàng cấm, tuân thủ đúng thời gian cách ly để giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp mạnh dạn, tự tin xuất khẩu loại quả này; tạo sự gắn kết lâu dài giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm tháng 3/2023, đã có 42 bộ hồ sơ hải quan đối với mặt hàng sầu riêng của Cần Thơ (tương ứng 42 vùng trồng sầu riêng với diện tích 851,50 ha và 1.051 hộ tham gia) được gửi sang Trung Quốc. Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra được 8/42 vùng trồng với 175,06 ha và 169 hộ tham gia. Kết quả, 8 vùng trồng sầu riêng ở Cần Thơ đã được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Năm 2023, Cần Thơ dự kiến xuất khẩu khoảng 3.500 tấn sầu riêng (chiếm gần 10% tổng sản lượng sầu riêng của thành phố) sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Nhận định sầu riêng đang vào vụ và hút hàng nhưng nguy cơ "dội chợ" có thể xảy ra, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ khuyến cáo, ngành nông nghiệp vận động nhân dân không đốn chặt các loại cây ăn quả có giá trị để trồng sầu riêng. Cây sầu riêng chỉ nên được trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi và chỉ nên trồng tập trung, áp dụng tốt tiêu chuẩn chất lượng, liên kết chặt với doanh nghiệp để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải huy động cả hệ thống chính trị hỗ trợ người dân, nhà vườn xây dựng mã vùng trồng, hỗ trợ người dân tiếp cận doanh nghiệp thu mua xuất khẩu; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện hợp đồng, vận động bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm để thu hoạch quả đúng độ tuổi, cách ly phân, thuốc đúng quy định; hỗ trợ người dân để các doanh nghiệp thực hiện đúng hợp đồng; xem việc tìm kiếm doanh nghiệp liên kết với nông dân là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương.
Thành phố Cần Thơ cũng mong các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm và tiếp cận thêm nhiều thị trường trên thế giới.
Sầu riêng là một trong những sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Tại Cần Thơ, trong những năm gần đây, cây sầu riêng cũng đang được phát triển và đầu tư với diện tích tăng từ 537 ha (năm 2015) tăng lên 2.965 ha (năm 2022); trong đó, có 1.794 ha đang cho quả. Diện tích sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện: Phong Điền với 1.731 ha (sản lượng 7.208 tấn/năm), Thới Lai 333 ha (sản lượng 398 tấn/năm) và quận Ô Môn là 233 ha (sản lượng 419 tấn/năm).
Hiện nay, tại các nhà vườn có trên 86% giống sầu riêng Ri6 được trồng. Mỗi năm, Cần Thơ cung ứng ra thị trường khoảng 40.000 tấn sầu riêng, chủ yếu thông qua thương lái, giá cả không ổn định. Vì thế, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vừa được giá lại ổn định là niềm mong mỏi của người nông dân.