Diện tích trên vẫn không dừng lại khi nhiều địa phương vẫn đang có hiện tượng phát triển “nóng” sầu riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như nhiều địa phương đã liên tục cảnh báo vấn đề này, tránh dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu sau này.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, mặc dù ngày nông nghiệp đã khuyến cáo những rủi ro, thế nhưng tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp.
Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ. Nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý.
Bài học đắt giá về việc người dân đua nhau, ồ ạt trồng cây cam, cây mít Thái, cây hồ tiêu... khiến cung vượt quá cầu thời gian qua ở các địa phương, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý, dẫn tới thua lỗ, có vẻ chưa được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Giá cam, mít Thái, hồ tiêu giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất khiến không ít nông dân thua lỗ.
“Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các địa phương tập trung phát triển liên kết trong sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, qua đó xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Tại Bình Phước, khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào trồng sầu riêng phát triển ồ ạt. Nhiều người từng bước cưa, chặt những loại cây trồng truyền thống như điều, tiêu, cà phê, cao su để chuyển qua trồng các loại trái cây khác, đặc biệt là sầu riêng.
Diện tích sầu riêng đến cuối năm 2022 của Bình Phước đã đạt 4.802 ha, tăng khoảng 28,4% so với năm 2021. Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu, cà phê… ghi nhận giảm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương có định hướng, quản lý, phát triển loại cây này theo quy hoạch của tỉnh; đồng thời, khuyến cáo người trồng tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, sự phù hợp với đất, nước... cũng như điều kiện chăm sóc, canh tác để đạt tiêu chuẩn, chất lượng, năng suất quả khi thu hoạch.
Theo ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, đây là cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao và cả khả năng đầu tư của người trồng. Do đó, không thể phát triển một cách ồ ạt, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, cung vượt cầu. Chất lượng và sản lượng không đảm bảo sẽ dẫn đến khó khăn, gây thiệt hại lớn cho người trồng.
Trước tình trạng có xu hướng phát triển diện tích cây sầu riêng theo phong trào ở địa phương, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn huyện, thành phố; hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cây trồng, lưu ý việc quy hoạch phát triển diện tích trồng sầu riêng.
Tỉnh Đồng Tháp giao cho UBND huyện, thành phố tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp tăng cường quản lý, thanh tra kiểm tra chất lượng cây giống sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời tập trung tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác thu hoạch đến chế biến tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị.
Các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, về thị trường, mới đây, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu thêm sầu riêng tươi từ Philippines. Như vậy, cuộc chạy đua xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc hiện nay có rất nhiều nước Đông Nam Á. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á cũng đang đầu tư vào trồng sầu riêng mà phần lớn là để xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Như Cường, các nước có sự đầu tư bài bản, quy mô lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng cũng chịu sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt từ sầu riêng các nước như Thái Lan, Malaysia…