Cần tiêu chí giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước

Chuyện hoạt động khó khăn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được Thanh tra Chính phủ công bố mới đây đã thêm một ví dụ nữa về đầu tư kém hiệu quả ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN). GS.TS Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần phải sớm có tiêu chí giám sát hoạt động loại hình doanh nghiệp này.

 

DNNN làm ăn như thế nào?

 

Tính đến tháng 10/2011, cả nước có 1.306 DNNN với 100% vốn nhà nước, trong đó có 701 doanh nghiệp (DN) thuộc địa phương, 355 DN thuộc các bộ, ngành và 253 thuộc tập đoàn, tổng công ty 91. Trong khối DNNN có 452 DN hoạt động công ích và 857 DN kinh doanh.


 

Tàu vận tải biển của Vinalines.

Đánh giá về hoạt động của DNNN, TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khối DN này đang nắm nguồn lực lớn của quốc gia, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thì rất thấp.


Không khó để tìm những dẫn chứng về sự kém hiệu quả của DNNN ngoài Tập đoàn Vinashin. Đó là hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ như Tập đoàn Điện lực, lỗ gần 8.000 tỉ đồng; Tổng công ty Xăng dầu lỗ 1.500 tỉ đồng... Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về EVN cho biết, tính đến 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng, trong đó gần 90% đầu tư vào những công ty con. Tổng lợi nhuận thu về chỉ khoảng 540 tỉ đồng, đạt tỉ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư hơn... 1%/vốn.


Vụ mới nhất là Vinalines, Thanh tra Chính phủ cho biết hiệu quả đầu tư vốn của DN này trong giai đoạn 2007 - 2010 đạt 14,15%/vốn năm, đã sụt giảm xuống còn âm (-) 14,8% vào năm 2010.


Một trong những “chủ nợ” của DNNN là Ngân hàng Phát triển (VDB) cho biết, nợ của các tập đoàn, tổng công ty chiếm khoảng 75 - 80% tổng dư nợ của ngân hàng này, với tình hình làm ăn của DNNN nêu trên, Tổng giám đốc VDB Nguyễn Quang Dũng bày tỏ quan ngại.


Nhìn DNNN ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DNNN được coi là lực chủ đạo của nền kinh tế, nhưng hàng chục năm qua chưa làm tốt chính sách xã hội, vai trò trụ cột trong cạnh tranh cũng không làm được. Cụ thể lấy một ngành kinh tế là công nghiệp phụ trợ, được coi là rất quan trọng của nền kinh tế, nhưng không thấy bóng dáng DNNN nào ở đây.


Cần ra tiêu chí đánh giá DNNN


TS Nguyễn Đình Cung đã nhiều lần đề xuất giải pháp “bắt” DNNN phải công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của mình giống như việc công khai thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cụ thể là DNNN phải minh bạch báo cáo tài chính hàng quý, năm và được kiểm toán. Trên cơ sở này, các cơ quan quản lý xã hội mới giám sát được việc DNNN đang làm gì, hiệu quả đến đâu để giám sát và kịp thời cảnh báo nếu DNNN làm sai. Tuy nhiên, nhiều năm qua chuyện tù mù về thông tin của DNNN vẫn không được cải thiện.


TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần áp đặt đầy đủ kỷ luật và nguyên tắc thị trường, buộc các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN khác. Khi có những ràng buộc cứng bởi kỷ luật thị trường, buộc các DNNN muốn trụ được và phát triển phải cải tiến, đổi mới công nghệ, quản lý, giảm và tiết kiệm chi phí... qua đó mới tăng hiệu quả.


Đồng tình với quan điểm trên, GS TS Nguyễn Quang Thái cho rằng, hiện nay vốn và tài sản của DNNN được nâng lên rất nhiều, thậm chí chiếm tỉ trọng cao nhất trong nền kinh tế về vốn tín dụng nhà nước, vốn ODA và nhiều ưu đãi lớn. Do đó, cần phải có tiêu chí giám sát DNNN hướng vào mục tiêu là nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng. Theo đó, để kiểm soát DNNN cần có 2 tiêu chí khác nhau: chỉ tiêu kiểm soát như mọi DN khác nói chung và chỉ tiêu kiểm soát DNNN.


Trước hết, đó là chỉ tiêu đầu vào, đầu ra đối với DNNN. Đầu vào đó là các nguồn lực như lao động, vốn, tài sản cố định và đầu tư tài chính (ngắn, dài hạn), các bằng phát minh, bí quyết công nghệ... trên cơ sở đó, có tiêu chí đầu ra là các chất lượng sản phẩm, dịch vụ, lợi nhuận/vốn.


Trong các chỉ tiêu nêu trên, cần chú trọng vào các chỉ tiêu cơ bản như năng suất lao động; tỉ suất lợi nhuận/vốn sản xuất kinh doanh; tỉ suất lợi nhuận/doanh thu. “Thực trạng yếu kém của DNNN gần đây cho thấy, đây là những chỉ tiêu quan trọng để kiểm soát hiệu quả”, GS. TS Thái nhấn mạnh.


Bên cạnh các chỉ tiêu cứng, chỉ tiêu về tiềm lực và lợi thế của DN cũng cần được đánh giá để khi phân tích mới thấy hết lợi thế cần phát huy. Ví dụ, với ngành điện có thêm các chỉ tiêu đặc thù như tỉ lệ thất thoát điện năng, hiệu quả sử dụng năng lượng trong nền kinh tế và môi trường; với hãng hàng không là chỉ tiêu về phát thải, hiệu suất sử dụng ghế.


Theo GS. TS Nguyễn Quang Thái, để đánh giá chính xác hiệu quả mỗi loại DNNN cần phải phải tách bạch DNNN làm công ích và DNNN kinh doanh. Với DN công ích (phi lợi nhuận, Nhà nước bù lỗ) như phục vụ an ninh, quốc phòng, môi trường và dịch vụ đô thị... sẽ được đánh giá bằng các chỉ tiêu kết quả phục vụ công ích và giá cả cạnh tranh với tư nhân. Với những DN tiên phong trong nền kinh tế như dầu khí, hàng không, viễn thông... thì chỉ tiêu là đổi mới công nghệ, có tác động lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế khác. Còn đối với DN kinh doanh trong các lĩnh vực then chốt thì chỉ tiêu giám sát là hiệu quả đầu ra.


Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN