Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định thời gian tới, việc triển khai đầu tư hệ thống này là cần thiết, vì vậy Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với ACV và các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cơ sở.
ACV có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để triển khai hệ thống phát hiện vật ngoại lai và radar giám sát an ninh mặt đất nhằm tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Trước đó, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định việc triển khai các hệ thống phát hiện vật ngoại lai (FOD) và radar giám sát an ninh mặt đất tại cảng hàng không, sân bay là cần thiết làm trong tương lai gần. Những hệ thống này cần được bổ sung kịp thời để bảo đảm tính liên tục và bền vững về an toàn, an ninh về hàng không.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nan, ACV với tư cách là doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, khai thác 22 cảng hàng không sẽ có trách nhiệm đầu tư các hệ thống này.
ACV sẽ thực hiện những thủ tục cần thiết để đầu tư tương tự như việc đầu tư các công trình đã từng triển khai. Tính khả thi trong việc đầu tư của ACV ở quy mô như thế nào sẽ dựa trên cơ sở cân đối nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình thực tế tại mỗi cảng hàng không.
Trong quá trình lập, trình chủ trương, hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam với tư cách là đơn vị quản lý chuyên ngành về hàng không dân dụng sẽ phối hợp với ACV để chất lượng, thông số kỹ thuật của việc đầu tư những hệ thống này được đảm bảo theo các quy định pháp luật hiện hành.
Từ đây, cơ quan này kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ACV tiếp tục nghiên cứu về công nghệ, lựa chọn công nghệ theo nguyên tắc công nghệ được chọn là công nghệ có tính ưu việt trên nhiều mặt, nổi bật về lợi thế so sánh và được sử dụng ở nhiều sân bay trên thế giới để triển khai đầu tư theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ACV sớm thực hiện việc hiện đại hoá trang thiết bị kiểm soát FOD trong đó chú trọng đối với hệ thống di động chạy tuần đường phát hiện FOD trên sân đỗ, đường lăn, nơi xuất hiện đến 95% số lượng FOD đã được thống kê ở các sân bay tại Việt Nam.
Trừ những khu bay có tần suất khai thác cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng thì những hệ thống di động còn có thể sử dụng cho cả đường cất hạ cánh. Điều này giúp tối đa hóa hiệu quả kiểm soát FOD ở những cảng hàng không có tần suất bay thấp.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng hệ thống cố định phát hiện FOD nên thực hiện trước hết ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sau đó là Đà Nẵng nhằm đồng bộ hóa với việc nâng cấp chung các cảng hàng không này.
Về hệ thống radar giám sát an ninh, Cục Hàng không Việt Nam nhận định đây là giải pháp thuộc loại hiện đại bậc nhất về công nghệ tại thời điểm này giúp tăng cường sức mạnh đáng kể cho việc phát hiện chủ động đột nhập trên diện tích rất lớn như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với ACV để xây dựng và hoàn thiện một hệ thống radar giám sát bảo đảm được mục đích xây dựng hệ thống an ninh bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế của ACV.
Cơ quan này cũng sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với việc triển khai các hệ thống thiết bị trên trong quá trình điều chỉnh, lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay giai đoạn hiện tại và tương lai.