Ùn tắc tại trạm thu phí Sóc Trăng. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN |
Đáng chú ý, đây thời gian cao điểm đi lại cuối năm của người dân, vì vậy, cần một giải pháp chủ động từ phía Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương cho vấn đề này.
Sau căng thẳng tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) chưa được giải quyết, trong mấy ngày đầu năm 2018, tình hình giao thông tại trạm thu phí BOT Ninh Hòa (Khánh Hòa), trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm BOT Sóc Trăng… liên tục căng thẳng. Nhiều chủ xe yêu cầu phải miễn, giảm giá vé và đậu xe ngay trạm dẫn đến ùn tắc.
Trước sự bức xúc của người dân các xã phía Bắc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên về việc thu phí tại trạm Bàn Thạch (đặt tại xã An Dân, huyện Tuy An), sáng 5/1 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Khánh Hòa đã mời hơn 100 tài xế, nhà xe ở các địa phương quanh trạm để đối thoại.
Sau khi đối thoại, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Khánh Hòa đã thống nhất đề nghị miễn phí cho toàn bộ các loại xe trên địa bàn xã An Dân. Tùy theo từng loại xe mà sẽ giảm phí trong bán kính mở rộng hơn 5 km tính từ trạm thu phí. Tuy nhiên, việc này nhà đầu tư phải có văn bản để Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đồng thuận với chủ trương miễn, giảm phí cho người dân. Tuy nhiên muốn thực thi được, chủ đầu tư cần có văn bản trình lên Tổng cục để thống nhất. Sau đó, Tổng cục sẽ rà soát phạm vi, đối tượng miễn, giảm phí có đúng quy định hay không, rồi sẽ trình lên Bộ Giao thông Vận tải để xem xét, quyết định.
Đối với căng thẳng tại trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ có cuộc họp với UBND Tp. Cần Thơ và chủ đầu tư về trạm thu phí này để rà soát, thống nhất phương án xử lý vào ngày 8/1.
Theo các chuyên gia kinh tế, cái gốc vấn đề gây ra tình trạng phản đối tại các trạm thu phí vừa qua là do chủ đầu tư trạm và tài xế chưa tìm được sự đồng thuận, dù trước đó đã đối thoại. Dĩ nhiên, để giải quyết cái gốc vấn đề thì thẩm quyền không thuộc về của nhà đầu tư và chính quyền địa phương.
TS. Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét, để xảy ra tình trạng phản đối tại các trạm thu phí có một phần nguyên nhân là do việc miễn giảm phí tại một số trạm chưa làm tốt, dẫn đến người dân không đồng thuận. Để chờ một giải pháp căn cơ từ Chính phủ, trước mắt Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân ủng hộ, đồng thời có những giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mâu thuẫn cần giải quyết là giữa chủ đầu tư trạm BOT và người dân, doanh nghiệp vận tải. Nhưng muốn giải quyết tận gốc lại phụ thuộc vào cái “gật đầu” từ phía Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bình luận, chuyện BOT ở nước ta là câu chuyện âm ỉ lâu nay và chỉ có thể giải quyết thấu đáo bằng những chính sách mang tầm quốc gia chứ không thể “cháy đâu chữa đó”. Chẳng lẽ cứ mỗi trạm BOT có vấn đề là Bộ Giao thông Vận tải lại phải họp, rà soát, xem xét?
“Đây là thời điểm cần kề đến Tết Nguyên đán, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần khẩn trương rà soát các đối tượng được miễn giảm thu phí để thực hiện ngay, tránh để lâu. Đồng thời cần phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những thắc mắc của người dân và doanh nghiệp”, ông Bùi Danh Liên chia sẻ.
Về tình hình phức tạp chung của các dự án BOT hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ phối kết hợp để tham mưu cho Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc hiện nay của BOT theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, với trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, trong vài tháng tới Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ để xem xét việc này.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: “BOT trong thời gian qua nóng, chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa? Để BOT giảm nóng phải quyết toán xong và thu phí tự động. Năm 2018 không xong là phải chịu trách nhiệm với người dân, không thể để nóng như vậy kéo dài mãi được”.
Về khó khăn của các nhà đầu tư khi không được thu phí hoặc bị phản đối thu phí, theo chia sẻ của chủ đầu tư BOT Cai Lậy (Tiền Giang), tính riêng tiền trả lãi cho ngân hàng từ tháng 8/2017 đến nay thì dự án này đã phải trả gần 10 tỷ đồng, đó là chưa kể số tiền gốc. Chủ đầu tư vẫn bảo lưu quan điểm, bất cứ điều chỉnh nào cũng phá vỡ phương án tài chính của họ và tất nhiên, đối với doanh nghiệp khi phương án tài chính không hợp lý thì họ sẽ thiệt hại.
Ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư BOT Cai Lậy cho hay, khi thống nhất vị trí đặt trạm thì mới có khả năng hoàn vốn và nhà đầu tư trên cơ sở đó mới quyết định đầu tư. Mặt khác, trên cơ sở vị trí đặt trạm để tính toán lưu lượng nếu thấy khả năng thu hồi vốn được thì ngân hàng mới cho vay vốn.
“Hiện giờ xảy ra việc không được thu phí thì nhà đầu tư chỉ trông chờ vào Bộ Giao thông Vận tải, sau đó là cơ quan nhà nước giải quyết hài hòa lợi ích”, ông Hào chia sẻ.
Việc xảy ra xung đột giữa người dân và chủ đầu tư tại các trạm thu phí BOT đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, nhất là sắp đến cao điểm đi lại cuối năm của người dân. Vì vậy, để làm sao hài hòa lợi ích trong khi chờ đợi quyết sách cho BOT đang đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ phía Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan.