Giới phân tích đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng mà sự gia tăng căng thẳng này sẽ gây ra cho cả hai nước. Nhưng ngoài Mỹ và Trung Quốc, sẽ có những nước khác cảm nhận được “sức nóng” từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Trong số đó, châu Âu và Nhật Bản có lẽ sẽ là những bên chịu thiệt hại không nhỏ.
Châu Âu lao đao
Theo giới chuyên gia, cả Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng làm gia tăng hoặc dịu bớt những căng thẳng về thương mại và tiền tệ giữa hai nước. Nhưng sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng, Nhật Bản và châu Âu gần như không còn dư địa cho các biện pháp phòng thủ tài chính của riêng mình.
Châu Âu dường như “phớt lờ” đợt giảm lãi suất gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thậm chí, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể "an lòng" khi quyết định hạ lãi suất mới đây của Fed đã khiến đồng USD mạnh hơn so với đồng euro - điều có lợi cho các nhà sản xuất vốn đang gặp nhiều khó khăn của châu lục này.
Nhưng nếu Mỹ thực hiện một loạt các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với sự lao dốc của đồng NDT, đó sẽ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tại cuộc họp mới nhất, ECB đã phát tín hiệu về đợt giảm lãi suất sau mùa Hè và đề cập tới khả năng tái khởi động kế hoạch mua trái phiếu nhằm tạo đà đi lên cho kinh tế khu vực. Đây đều là những “phát súng chính sách” lớn của ECB, nhưng ngân hàng trung ương này hiện đã “hết đạn”.
Trong khi đó, đồng NDT yếu đi cũng là một tin rất xấu cho châu Âu. Như nhà phân tích thị trường tiền tệ Kit Juckes tại ngân hàng Soce Generale SA chỉ ra, đồng euro thậm chí tiếp xúc nhiều hoạt động thương mại với Trung Quốc hơn là những giao dịch bằng đồng USD. Sự tăng giá không mong muốn của đồng euro nếu Trung Quốc và Mỹ cố ý làm suy yếu đồng tiền của chính họ sẽ là một thảm họa đối với các nhà chế tạo phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của châu Âu, thậm chí có thể khiến lục địa này rơi vào suy thoái.
Để hiểu được mức độ tồi tệ của điều này đối với châu Âu, hãy nhìn vào cường quốc công nghiệp Đức. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước này đóng góp gần một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với con số 12% cho Mỹ và 20% cho Trung Quốc. Đức đang tiếp xúc nhiều hơn với thương mại quốc tế mặc dù nền kinh tế trong nước vẫn khá ổn định và nợ nần giảm. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cho biết rằng ông không có ý định đành cho người Đức hoặc các nhà sản xuất ô tô của họ bất kỳ ưu đãi nào. Đối mặt với những trở lực như vậy, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) hồi đầu tháng Sáu đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2019 và 2020 xuống lần lượt 0,6% và 1,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 1,6% cho cả năm 2019 và 2020 được đưa ra trước đó.
Nhật Bản gặp khó
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, đồng yen của Nhật Bản đã mạnh lên và đạt mức cao tương tự hồi đầu năm 2018 so với đồng USD, đồng thời trở lại mức định giá hồi năm 2016 so với đồng NDT. Sự sụt giảm của đồng nội tệ Trung Quốc trong phiên ngày 5/8 đã khiến đồng yen tăng giá giữa lúc các nhà đầu tư chuyển hướng sang các kênh “trú ẩn an toàn”.
Với một số người, diễn biến này có lợi do nó xảy ra sau những lời phàn nàn kéo dài của Washington rằng đồng yen bị định giá thấp hơn thực tế. Nhưng Nhật Bản là “chủ nợ” lớn nhất thế giới khi nắm giữ lượng tài sản nước ngoài ròng trị giá 3.200 tỷ USD vào năm ngoái. Những nhà đầu tư của Nhật Bản đã gửi tiền của họ vào những kênh tài sản định giá bằng đồng USD ở nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Một khi đồng nội tệ của Nhật Bản mạnh lên, khoản lợi nhuận tính bằng đồng yen từ những kênh đầu tư đó cũng suy giảm, qua đó làm giảm thu nhập của các công ty và hộ gia đình tại nước này. Nói cách khác, nó sẽ có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và gây thêm áp lực rất lớn cho Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khi Tokyo đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế.
Về lý thuyết, không có "giới hạn cứng” đối với việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa ở Nhật Bản hoặc các nơi khác. Lãi suất của ECB đã ở mức thấp hơn so với mức do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra. Nhưng những biện pháp kích thích bổ sung thường đi kèm cái giá phải trả trong khi lợi ích giảm dần.
Các lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ của BoJ đều mang tới ảnh hưởng phức tạp. Tăng lượng trái phiếu chính phủ do ngân hàng trung ương này nắm giữ sẽ tiếp tục giảm thanh khoản trên thị trường trái phiếu và có thể rất khó thực hiện nếu Tokyo không đẩy mạnh chi tiêu và phát hành trái phiếu. Kế hoạch mua tài sản bổ sung sẽ làm gia tăng quan ngại về tính quản trị của doanh nghiệp, trong khi cắt giảm lãi suất sâu hơn xuống mức âm sẽ gia tăng áp lực đến lợi nhuận của ngành ngân hàng. Việc BoJ từ bỏ nắm giữ lượng tài sản khổng lồ này trong tương lai cũng gây ra những vấn đề cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Đồng NDT không phải là một loại tiền tệ được “thả nổi” hoàn toàn, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh về mặt danh nghĩa có thể kiểm soát nơi đồng tiền này sẽ hướng tới. Trong khi Trung Quốc có thể phát đi tín hiệu rằng họ có thể “vũ khí hóa” đồng nội tệ của mình, thì đây mới là một “phát súng cảnh báo” của Bắc Kinh. Mỹ cũng còn những “đòn bẩy” để đáp trả các biện pháp của Trung Quốc.
Đáng tiếc là những nước đã thực hiện chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng như EU và Nhật Bản sẽ hứng chịu nhiều tổn thất trong tranh chấp tiền tệ toàn cầu.