Do đó, dù trong luật Campuchia có đang cấm hay không nhưng hiện tại Campuchia viện dẫn tiêu chuẩn Liên minh châu Âu và sẽ tịch thu nếu hàng hóa của Việt Nam vi phạm giống như lô hàng sang châu Âu.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Hải quan Campuchia chưa yêu cầu giấy chứng nhận ethylene oxide nhưng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng cạnh tranh và chống gian lận sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan để bổ sung mì vào nhóm hàng rủi ro và cần giấy chứng nhận ethylene oxide.
Vì thế, nếu bổ sung xong, Hải quan Campuchia có thể yêu cầu giấy chứng nhận ethylene oxide đối với các lô hàng mì khi làm thủ tục nhập khẩu vào Campuchia.
Đặc biệt, ngay khi nhận được thông tin về việc này, Thương vụ đã thông báo ngay về Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) và đã có những trao đổi để làm rõ thêm một số thông tin để gửi cảnh báo cho doanh nghiệp của Việt Nam.
Trước đó, bản tin thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia dẫn thông tin từ Khmer Times, sau khi EU phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa ethylene oxide (chất cấm sử dụng trong thực phẩm), các cơ quan Campuchia sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất này.
Thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR) cho biết, nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi.
Đồng thời cho biết thêm Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo với hải quan các địa phương để phân loại các loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất ethylene oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.