Cảnh báo, hỗ trợ kịp thời các địa phương phòng chống hạn, xâm nhập mặn

Tổng cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn, để tham mưu chỉ đạo, điều hành giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ; phòng, chống ngập lụt, úng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; ngập lũ nội đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Tại hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 27/6, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, những tháng đầu năm 2022, ngành thủy lợi đã theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; kịp thời hướng dẫn, cảnh báo và hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022. Qua theo dõi, ngành cũng đưa ra những khuyến cáo các địa phương về kế hoạch sử dụng nước, bố trí diện tích cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước.

Chú thích ảnh
 Toàn cảnh xả nước hồ thuỷ điện Hoà Bình trong chiều ngày 13/6. Ảnh minh họa:Trọng Đạt/TTXVN

Điển hình, đối với khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện 3 đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện trong 16 ngày đảm bảo cấp nước cho 506.558 ha lúa. Tổng lượng nước điều tiết xả cả 3 đợt là 4,24 tỷ m3, thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thường xuyên có những cảnh báo tình hình hạn hán, thiếu nước để có phương án canh tác phù hợp với tình hình thời tiết. Trong số đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải giãn, dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn; xem xét xuống giống sớm để tận dụng lượng nước còn lại của vụ Đông Xuân, đồng thời tránh thời điểm hạn hán, thiếu nước vào cuối mùa khô và nguy cơ ngập lụt, úng cuối mùa nếu xảy ra mưa sớm… đều được Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo kịp thời.

Diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng dự báo sớm, cập nhật thường xuyên, liên tục, ông Lương Văn Anh cho biết.

Với những dự báo của ngành thủy lợi, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, hệ thống thủy lợi không thể thay đổi một cách nhanh chóng như biến đổi khí hậu nhưng những ứng phó do biến đổi khí hậu gây ra như: hạn mặn, xâm nhập mặn… ngày càng được thực hiện tốt. Tổng cục Thủy lợi và các địa phương cần tiếp tục chủ động trong dự báo, xây dựng kế hoạch phối hợp ứng phó với thiên tai để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp; trong đó có trồng trọt. Tổng cục Thủy lợi phối hợp với ngành trồng trọt để tiếp tục có những dự báo sát hơn, giúp ngành trồng trọt chủ động thích ứng với biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành thủy lợi vẫn còn tồn tại vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của quá trình phát triển: xu hướng chuyển đổi mô hình sản xuất, đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển cơ sở hạ tầng… 

Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức nhiều nơi còn cồng kềnh, chưa tinh gọn, đặc biệt là mô hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa thống nhất ở các đại phương nên việc ban hành, áp dụng chính sách gặp nhiều khó khăn. Việc củng cố và phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở chưa được thực hiện tốt ở nhiều địa phương.

Hay việc quy hoạch xây dựng thủy lợi là một hợp phần chuyên ngành của quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương xây dựng quy hoạch nhưng còn xem nhẹ về quy hoạch, phát triển thủy lợi.

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết: “Có tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch nhưng lại không có một trang nào về thủy lợi, điển hình như Bắc Giang. Do đó, Tổng cục Thủy lợi cần có sự phối hợp của các tỉnh về quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai. Nếu các địa phương làm quy hoạch sơ sài thì sau này sẽ rất dễ phải sửa đổi”.

Trong 6 tháng cuối năm, ông Lương Văn Anh cho biết, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn, để tham mưu chỉ đạo, điều hành giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đặc biệt ở khu vực Trung Bộ; phòng, chống ngập lụt, úng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; ngập lũ nội đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ.

Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước cung cấp cho các hệ thống công trình thủy lợi thuộc các lưu vực sông liên tỉnh, chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh để cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Có những khuyến cáo cho các địa phương để kịp thời điều chỉnh kế hoạch phân phối nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước khi hạn hán, thiếu nước xảy ra.

Bích Hồng (TTXVN)
Mực nước trung và hạ lưu sông Mê Công gia tăng, giảm thiểu tình hình xâm nhập mặn
Mực nước trung và hạ lưu sông Mê Công gia tăng, giảm thiểu tình hình xâm nhập mặn

Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ Phùng Tiến Dũng cho rằng, do ảnh hưởng xả của Thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc), mực nước trạm Chiang Saen (Thái Lan) đã bắt đầu lên từ ngày 19/4/2022 và tăng nhanh từ ngày 21/4/2022 với biên độ nước lên khoảng 2,2 m, cao hơn trung bình nhiều năm (2012-2021) là 0,87m, cao hơn năm 2021 là 0,57m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN