Cấp nước ngọt miễn phí 'cứu khát' cho trên 12.000 ha cây sầu riêng

Dự kiến, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai phương án cấp nước ngọt tưới cho cây sầu riêng do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ nay cho tới 30/4/2020.

Hiện nay, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, người dân ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang phải mua nước ngọt để tưới cho cây ăn trái, chủ yếu là cây sầu riêng, vì đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, đồng thời, loại cây này cũng rất mẫn cảm với nước mặn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã cho chủ trương thuê sà lan chở nước ngọt về giúp người dân “giải khát” cứu vườn sầu riêng. 

Chú thích ảnh
Người dân tới điểm tập kết lấy nước ngọt về phục vụ sản xuất. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang: Khu vực phía Nam quốc lộ 1 thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy có trên 12.000ha sầu riêng đang bị thiếu nước. Đối với mỗi cây sầu riêng giai đoạn cho thu hoạch (trên 5 năm tuổi) cần khoảng 100 lít nước/cây/ lần tưới, một tháng tưới 4 lần. Còn đối với cây giai đoạn kiến thiết (từ 1 đến 5 năm tuổi) cần 50 lít/cây/lần tưới, một tháng tưới 4 lần.

Ngày 13/3, trên địa bàn 2 xã Phú Phong (huyện Châu Thành) và xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) tỉnh Tiền Giang là những địa phương được hưởng nguồn nước ngọt sớm nhất. Từ sáng sớm, rất nhiều hộ dân đã xếp hàng đợi lấy nước ngọt mang về phục vụ tưới tiêu.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm (đơn vị vận chuyển nước) cho biết, việc vận chuyển, bơm trữ nước đã được đơn vị triển khai từ đêm ngày 12/3, cho đến sáng nay, 2 hồ chứa ở xã Phú Phong và xã Tam Bình đã có trên 3.000m3 nước ngọt để phục vụ nhân dân. Hợp tác xã đảm bảo việc cấp nước sẽ diễn ra liên tục, người dân có thể đến lấy nước cả ngày và đêm.

Ông Trần Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, địa phương đã chuẩn bị 3 điểm trữ nước để phục vụ nhân dân, đồng thời cũng vận động các mạnh thường quân, phương tiện để hỗ trợ người dân đưa nước ngọt từ điểm tập kết về tới vườn cây ăn trái.

Theo dự kiến, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai phương án cấp nước ngọt tưới cho cây sầu riêng đối với khu vực không có nguồn nước ngọt do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ nay cho tới 30/4/2020 với tổng lượng nước ngọt ước đạt trên 1,3 triệu m3.

Tin, ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức cao nhất từ ngày 11-13/3
Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức cao nhất từ ngày 11-13/3

Nhận định về tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, từ ngày 11-20/3, xâm nhập mặn tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất từ ngày 11-13/3, từ ngày 14-20/3, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN