Theo đánh giá của Liên minh Nông nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ đạt hiệu quả kinh tế cao trên mức đầu tư nhưng rủi ro đến với người chăn nuôi nhỏ cũng ngày càng tăng do ảnh hưởng của giá thức ăn, dịch bệnh và giá bán. Trong khi đó, các chính sách hiện hành chủ yếu hỗ trợ chăn nuôi quy mô lớn.Thiệt đơn, thiệt képÔng Lương Hồng Đoán, đại diện nông dân của xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay mà người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp phải là thiếu các biện pháp khoa học kỹ thuật và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học dẫn đến dễ bị dịch bệnh. “Nông dân đang "mù tịt” nên chỉ một trận dịch tràn qua là chúng tôi mất trắng. Chẳng hạn như do dịch bệnh tai xanh vừa rồi mà số lượng hộ chăn nuôi tại địa phương đã giảm mạnh từ 100 hộ xuống còn 30 hộ”, ông Đoán cho biết.
Chăn nuôi gà ở một hộ gia đình tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Tuy chịu nhiều thiệt thòi nhưng người chăn nuôi nhỏ chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ. Ví dụ, thị trường bán hai loại thuốc thú y nhãn hàng khác nhau, hàm lượng bằng nhau nhưng giá thì chênh nhau nhiều lần. “Nếu chọn lọ rẻ tiền hơn thì chất lượng có tốt không? Hay chọn lọ đắt tiền sẽ bị lừa về giá? Ai là người sẽ giúp người chăn nuôi trong vấn đề này?”, ông Đoán băn khoăn.
“Chúng tôi mua thuốc thú y, con giống, thức ăn chăn nuôi thì người ta bán sao phải mua vậy, không có quyền trả giá, mà giá thì lên suốt. Ngược lại, lúc lợn, gà xuất chuồng, tiểu thương tới mua trả bao nhiêu bán bấy nhiêu, mình không có quyền đặt giá. Người nông dân thiệt đủ đường”, ông Đoán cho biết.
Cũng theo ông Đoán, đối với những hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ như ông, thiệt hại lớn nhất là khi bán cho thương lái. Hộ nuôi với số lượng càng ít thì thương lái thu mua với giá càng thấp. Với xu thế như vậy, những hộ chăn nuôi quá nhỏ lẻ, không đủ năng lực cạnh tranh sẽ dần bị đào thải.
Kết quả nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp về cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam đã chỉ ra rằng: Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng giống, thức ăn địa phương và tiêu thụ sản phẩm tại các chợ truyền thống chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng hộ chăn nuôi nhỏ giảm nhanh vì phải chịu nhiều rủi ro của: dịch bệnh, cạnh tranh với các hộ chăn nuôi quy mô lớn và không được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài, từ nhập khẩu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong khi giá các sản phẩm vừa nêu ngày càng tăng cao. “Những yếu tố này khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ nguồn lực để tham gia vào chuỗi liên kết dọc giữa cung ứng vật tư, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ và dần bị loại ra khỏi chuỗi giá trị ngành chăn nuôi”, báo cáo nêu rõ.
Tăng cường hỗ trợ vốn và kỹ thuậtTheo TS Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), Trưởng nhóm nghiên cứu về chăn nuôi của Liên minh Nông nghiệp, khi rà soát chính sách hiện hành trong ngành chăn nuôi thì không có tác động trực tiếp hỗ trợ đến ngành chăn nuôi nhỏ, chủ yếu là tập trung vào thúc đẩy quá trình chuyển đổi chăn nuôi quy mô lớn, quy mô công nghiệp dẫn đến “khoảng trống” giữa các chính sách hiện hành và người chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi, các hộ chăn nuôi nhỏ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trên mức đầu tư và là đối tượng cung cấp đến gần 70% nhu cầu thực phẩm trên thị trường.
Do vậy, TS Nguyễn Văn Giáp cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam rất cần xác định rõ vị trí và quan hệ giữa chăn nuôi quy mô nhỏ và quy mô lớn. Quy mô đa dạng sẽ nâng cao lợi ích và giảm rủi ro cho nông dân. Chính sách không thể bỏ ngỏ, chiếm tỷ trọng chủ đạo trong ngành chăn nuôi là người chăn nuôi nhỏ như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, hộ chăn nuôi nhỏ cần được tập huấn, trau dồi kiến thức và nâng cao trình độ chăn nuôi để họ không bị động trước luồng thông tin của thị trường, doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, nông dân Lương Hồng Đoán cho rằng, với chính sách hiện nay nông dân được vay tối đa 50 triệu đồng thì rất khó có thể phát triển chăn nuôi, đặc biệt là tái đàn sau khi bị dịch bệnh. Bởi vậy, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đủ mạnh cho những hộ chăn nuôi nhỏ từ 50 - 100 con lợn hoặc vài trăm con gà, đồng thời có các lớp tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh chăn nuôi cho nông dân.
TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các hộ nuôi nhỏ đang kém cạnh tranh, trước mắt cần có sự hỗ trợ để những hộ này duy trì được. Dài hạn hơn, trong việc chuyển dịch cơ cấu sang quy mô lớn, giảm quy mô nhỏ, thì cần có sự hỗ trợ để những hộ nuôi nhỏ có điều kiện chuyển ngành, đổi nghề.
Thu Phương