Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài 3

Trước tình trạng người dân tại các vùng trọng điểm về cao su đang chặt bỏ loại cây trồng này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Nếu chỉ vì giá giảm mà người nông dân chặt bỏ cao su thì chính họ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Do vậy, hơn lúc nào hết, người nông dân cần bĩnh tĩnh, tiếp tục chăm sóc diện tích cao su hiện có”.


Người nông dân đối mặt với thiệt hại lớn


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục Trồng trọt cho biết đã nhận được thông tin nông dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung đang chặt bỏ cây cao su cả cây đang cho thu hoạch và cây non do giá mủ cao su sụt giảm mạnh. Theo thông tin Cục Trồng trọt nhận được, tình trạng này diễn ra khá nghiêm trọng tại hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước. Tuy nhiên, Cục chưa có con số thống kê cụ thể.

 

Công nhân nông trường cao su Đoàn Văn Tiến khai thác mủ cao su.Ảnh: Đình Huệ- TTXVN


Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân hết sức thận trọng, không nên tiếp tục chặt bỏ cây cao su. Theo ông Hòa, đây là loại cây công nghiệp dài ngày, có mức đầu tư cao, khoảng 100 triệu đồng/ha; thời gian từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch kéo dài 5- 6 năm. Do vậy, chặt bỏ cây cao su cũng đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ bị thiệt hại rất lớn. “Nếu chỉ vì giá giảm mà người nông dân chặt bỏ cao su thì chính họ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Do vậy, hơn lúc nào hết, người nông dân cần bĩnh tĩnh, tiếp tục chăm sóc diện tích cao su hiện có”, ông Hòa khuyến cáo.


Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc giá nông sản nói chung, giá mủ cao su nói riêng lên xuống thất thường không phải là chuyện lạ. Ngành nông nghiệp các địa phương, nhất là địa bàn trọng điểm về cao su cần tuyên truyền, khuyến cáo bà con tránh tình trạng phá bỏ cao su một cách ồ ạt khi giá xuống thấp.


Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá tình hình thực tế và kiến nghị với Nhà nước về chính sách hỗ trợ cho người trồng cao su, nhất là trong bối cảnh giá mủ cao su giảm mạnh, để bà con yên tâm sản xuất.


Chăm sóc cao su lấy gỗ


Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện Tây Nguyên cũng đang có tình trạng người dân chặt bỏ cao su, do giá xuống thấp để trồng hồ tiêu, cà phê, sắn. “Thậm chí, có cả doanh nghiệp quốc phòng cũng đang tính đến việc chặt bỏ cây cao su đang ở tuổi thứ 8, tức là trong giai đoạn cây đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, tôi đã khuyên họ không nên chặt bỏ”, ông Báu cho biết.


Đánh giá về tình trạng này, ông Báu khẳng định, không phải đến bây giờ mà giá cao su giảm đã kéo dài suốt trong cả năm 2013. “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển nước ta, khiến giao dịch biên mậu trong đó có mặt hàng cao su sụt giảm, chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề này mà thôi”, ông Báu nhận định.


Đề cập đến giải pháp xử lý vấn đề này, ông Báu cho rằng, chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền để người dân hiểu được hậu quả của việc phá bỏ loại cây trồng này. Theo phân tích của ông Báu, chi phí trồng cao su dao động từ 100 - 200 triệu đồng/ha, tùy thuộc vào địa hình, chi phí giống, phân bón, công lao động. Thời gian trồng từ 5 - 7 năm mới cho khai thác mủ. Trong đó, chi phí cho cây cao su trong năm đầu tiên là tốn kém nhất. Người dân phá bỏ cao su trong độ tuổi mới cho thu hoạch thì họ nắm chắc phần thiệt. “Nếu giá mủ xuống thấp, người dân không khai thác mủ mà tập trung vào chăm sóc, làm cỏ cho cây. Khi không khai thác mủ nữa thì cây lớn rất nhanh. Trong giai đoạn này, chi phí chăm sóc hầu như không đáng kể. Như vậy, người trồng có thể chuyển từ khai thác mủ sang khai thác gỗ”, ông Báu cho biết.


Huyền Tím

 

Bài cuối: Cần phối hợp trong công nghiệp chế biến

Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:
Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:

Để làm rõ hơn về vấn đề người dân chặt cao su, cũng như việc tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su hiện nay, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Minh Châu (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN