Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài cuối:

Cần phối hợp trong công nghiệp chế biến


Để làm rõ hơn về vấn đề người dân chặt cao su, cũng như việc tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su hiện nay, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Minh Châu (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

 

* Hiện có tình trạng người dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và cả miền Trung đang đốn bỏ cây cao su. Vậy theo ông, đó là do giá cao su xuống quá thấp hay nguyên nhân nào khác?


Thời gian gần đây hiện tượng người dân chặt bỏ cây cao su là có. Nhưng theo tôi đánh giá nó không phổ biến bằng năm 2009, vì lúc đó giá cao su xuất khẩu xuống chỉ còn 500 - 600 USD/tấn. Bây giờ giá có xuống nhưng so với năm 2009 vẫn còn cao hơn. Cụ thể là giá cao su xuất khẩu hiện nay dao động khoảng 2.000 USD/tấn, tương đương 39 - 40 triệu đồng/tấn. Giá bình quân của Tập đoàn thì vào khoảng 45,5 triệu đồng/tấn.


Còn vì sao dân làm như vậy, tôi cho rằng thứ nhất là đất của họ, thứ hai là vốn của họ, thứ ba là có những vườn cây già cỗi nên họ chặt bỏ để trồng lại hoặc trong lúc này họ chặt bỏ để trồng cây khác. Năng suất cao su của tư nhân không thể bằng Tập đoàn, bởi các biện pháp kỹ thuật, phân bón hay tất cả những yếu tố khác để tạo ra năng suất cao thì không bằng các công ty của tập đoàn.

 

* Theo ông, giá cao su giảm mạnh còn có phải do nguồn cung trong nước quá lớn không khi thời gian qua giá mủ tăng cao, người dân trồng cao su tự phát rất nhiều? Liệu có vượt quá quy hoạch không?


Hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 900.000 ha cao su. Về mặt quy hoạch, phải nói rằng 300.000 ha cao su của Tập đoàn là đúng quy hoạch của Chính phủ. Chỉ có vượt là ở trong dân, vì đất của họ, họ tự đầu tư, chúng ta chỉ tổ chức thu mua các sản phẩm của họ thôi. Hiện Tập đoàn cũng chỉ đạo các công ty trong lúc khó khăn này cũng phải mua mủ của tư nhân. Đừng để cho người dân cảm thấy mất lòng tin là không nên. Tôi xin nói rằng các công ty vẫn tổ chức thu mua bình thường dù giá có xuống nhưng vẫn tiêu thụ được. So với trong năm 2013, mình vẫn tiêu thụ được, chỉ là giá có thấp hơn thôi.

 

* Giá cao su giảm mạnh có ảnh hưởng đến công tác thu mua hay thu nhập của công nhân không, thưa ông?


Nói chung là xuất khẩu, tiêu thụ của ngành cao su là ổn định nhưng giá có thấp. Như năm 2013, giá xuất khẩu bình quân là 61 triệu đồng/tấn, còn bây giờ là 45 triệu đồng/tấn, chỉ bằng khoảng 70%. Nhưng ngành cao su khẳng định vẫn có lãi. Năm nay, Tập đoàn phấn đấu giá bán trên giá thành, lãi ít nhất khoảng 5 - 6 triệu đồng/tấn (năm ngoái lãi đến mười mấy triệu đồng/tấn). Chúng tôi sẽ cố gắng làm tròn nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ với người công nhân. Phấn đấu lương công nhân năm nay bình quân khoảng 5 - 5,5 triệu đồng/tháng, bằng 80% so với năm 2013. Tuy nhiên, tôi cho đây là một phấn đấu lớn vì phải chăm lo cho tới hơn 130.000 công nhân.

 

* Trước nay, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ yếu nhưng thị trường này hiện nay cũng sụt giảm, ngành đã có những kế hoạch nào để tăng lượng xuất khẩu sang các thị trường khác không?


Thị trường xuất khẩu của ngành cao su không chỉ ảnh hưởng từ Trung Quốc mà còn ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, mình có những khách hàng truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ...


Thực sự mà nói không phải bây giờ xuống thấp mình mới tìm hiểu thị trường mới. Bởi trong ngành cao su có ban xuất nhập khẩu, chính ban này luôn định hướng tìm thị trường mới. Ngay cả lúc giá cả tốt nhất thì cũng đã tìm nguồn thị trường mới. Nếu tìm thêm nữa thì cũng là khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Trong ngành cao su, tiêu thụ nhiều hay tiêu thụ ít là do kinh tế phát triển như thế nào, từ đó sẽ quyết định mức tiêu thụ. Khi nền kinh tế thế giới phục hồi được thì cao su sẽ tiêu thụ được. Nó chỉ chung một dòng chảy mà thôi.

 

* Ông đánh giá ngành công nghiệp cao su ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Định hướng phát triển ngành công nghiệp cao su trong nước như thế nào?


Dù có phấn đấu nhưng ngành cao su của mình chỉ tạo ra những sản phẩm như: găng tay, nệm mút, hợp tác với Trung Quốc chế tạo lốp xe... Nhìn toàn cục, nguyên liệu cao su đưa vào sản phẩm cuối cùng chỉ vào khoảng 20 - 25% thôi. Đây là cái điểm chúng ta cần phải tập trung hơn, không chỉ do ngành cao su thực hiện mà cả của Chính phủ, bởi nó còn liên quan đến công nghệ khác. Chúng ta hiện nay chỉ vẫn đang xuất bán thành phẩm cho Trung Quốc và các thị trường truyền thống đã nói ở trên. Điều này cho thấy vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa có phần nào đó còn khiếm khuyết.


Hiện nay công nghiệp chế biến của mình tạo ra bán thành phẩm không thua gì Thái Lan và một số quốc gia khác, nên giá trị xuất khẩu của mình so với các nước thì mình tương đương. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cuối cùng thì cần nhiều bộ, ngành phối hợp lại. Định hướng của Tập đoàn là hướng tới công nghiệp chế biến. Nhưng như tôi đã nói, cần phải phối hợp. Tôi cần có người trọng tài là Chính phủ, vì tôi có nguyên liệu để chế biến thì sẽ phối hợp với với anh công nghệ chế biến của những ngành có liên quan như thế nào? Hiện nay Tập đoàn cũng cố gắng rất nhiều, chỉ đạo các công ty tìm các đối tác để sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng phục vụ nhu cầu cho các nước. Nhưng thật sự mà nói, các đối tác này hiện nay khi tiếp cận đến Tập đoàn cao su chỉ dừng lại ở mức hợp tác để mua nguyên liệu của mình mà thôi.


M.Thuyết-A.Đức (thực hiện)

 

Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài 3
Chặt phá cao su vì ế ẩm - Bài 3

Trước tình trạng người dân tại các vùng trọng điểm về cao su đang chặt bỏ loại cây trồng này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Nếu chỉ vì giá giảm mà người nông dân chặt bỏ cao su thì chính họ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN