Châu Âu đưa ra các mục tiêu tái chế rác thải đầy tham vọng

Các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) ngày 18/4 đã bỏ phiếu thông qua một gói những dự luật đầy tham vọng nhằm thúc đẩy hoạt động tái chế, giảm thiểu rác thải đô thị..., qua đó đưa Liên minh châu Âu (EU) tiến tới trở thành một nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ.

Châu Âu đưa ra các mục tiêu tái chế rác thải đầy tham vọng. Ảnh: europarl.europa.eu

Cụ thể, theo thông báo do EP công bố, tỷ lệ tái chế rác thải đô thị từ các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh phải đạt tối thiểu 55% vào năm 2025, rồi tăng dần lên 60% đến năm 2030 và 65% vào năm 2035. Các vật liệu dùng để gói hàng hóa cũng sẽ phải đạt tỷ lệ tái chế 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030, với mỗi loại vật liệu (như giấy, bìa các-tông, nhựa, thủy tinh, kim loại và gỗ) sẽ có chỉ tiêu riêng biệt.

Một mục tiêu quan trọng của dự luật trên là việc giới hạn tối đa chỉ 10% lượng rác thải đô thị được chôn lấp trong các bãi rác vào năm 2035. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, hiện có năm nước thành viên EU, gồm CH Cyprus, Croatia, Hy Lạp, Latvia và Malta, vẫn chôn lấp hơn 75% lượng rác thải đô thị.

Ngoài ra, tương tự với những mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc (LHQ) đề ra, gói dự luật mới của EU cũng yêu cầu các thành viên của khối này giảm 30% lượng rác thải thực phẩm vào năm 2025 và giảm 50% vào năm 2030.

Gói luật thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại châu Âu trên đây sẽ được trình lên Ủy ban châu Âu để được thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.

Theo số liệu của EC, các nước trong EU đã thải ra khoảng 2,5 tỷ tấn rác trong năm 2014, trong đó rác thải hộ gia đình chiếm 8%. Các nước có tỷ lệ rác thải đô thị tính trên đầu người cao  thường là những nước giàu có như Đan Mạch và Đức, trong khi hoạt động du lịch nhộn nhịp cũng khiến rác thải loại này gia tăng tại Malta và Cyprus.
H.Thủy (TTXVN)
Hàng chục triệu tấn rác thải điện tử bị vứt bỏ trên thế giới
Hàng chục triệu tấn rác thải điện tử bị vứt bỏ trên thế giới

Riêng trong năm 2016, khoảng 44,7 triệu m3, tương đương 49,3 triệu tấn, rác thải điện tử trong đó có ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động đã bị vứt bỏ trên thế giới, và chỉ 1/5 tổng số rác thải điện tử này được tái chế nhằm lấy lại các vật liệu thô có giá trị bên trong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN