Năm 2014 đang trôi qua những thời khắc cuối cùng. Đây là một năm đầy biến động với châu Âu và cũng là năm mà "lục địa già" thể hiện sự tụt hậu so với nền kinh tế thế giới.
Người dân Tây Ban Nha đứng xếp hàng chờ xin việc tại Văn phòng tìm việc làm. |
Năm 2014, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát khỏi cơn suy thoái. Châu Âu cũng tránh được giảm phát khi tỷ lệ lạm phát xoay quanh mức 0,5%. Thế nhưng trong con mắt của các nhà đầu tư, châu Âu được xem như "người ốm" của nền kinh tế thế giới.
Để tránh khỏi rơi vào vòng xoáy đi xuống của tiền lương và giá tài sản, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải vật lộn để tìm biện pháp chống đỡ mà ưu tiên hàng đầu luôn luôn là giảm tình trạng thâm hụt. Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hơn 300 tỷ euro với mục đích khởi động lại cỗ máy kinh tế, nhưng dường như việc triển khai vẫn còn ì ạch. Tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới 24 triệu người trong EU, tức khoảng 10% dân số trong độ tuổi lao động (tỷ lệ này sẽ là 12% nếu chỉ tính riêng các nền kinh tế của Eurozone).
Trong một nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa của tình trạng giảm phát, ECB đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục (0,05%) và mở đường cho chương trình nới lỏng định lượng (QE) của châu Âu. Năm 2014 cũng tạo dấu ấn về sự khác biệt lớn của chính sách tiền tệ ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Một mặt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết bình thường hóa chính sách tiền tệ với việc ngừng áp dụng chương trình nới lỏng định lượng lần thứ ba (QE3) và tăng lãi suất vào năm 2015. Mặt khác, ECB lại nghiêng về việc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Rõ ràng, khoảng cách thực hiện giữa Fed và ECB là khá xa.
Điểm nổi bật của năm 2014 trên thị trường thế giới là giá dầu giảm sâu vào quý IV/2014 đã khiến mọi người ngạc nhiên. Giá dầu thô duy trì mức 107 USD/thùng từ đầu năm cho đến tháng 9. Sự sụt giảm mạnh diễn ra từ tháng 11 và cuối năm dao động quanh mức 60 USD/thùng. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, giá dầu đã giảm 50%. Điều này có thể giải thích bằng nguồn cung quá lớn trên toàn thế giới với mức 4 triệu thùng/ngày. Hơn nữa, nền kinh tế châu Âu phát triển không mạnh đã khiến nhu cầu dầu giảm nhanh.
Sự sụt giảm giá dầu cũng làm tăng nguy cơ giảm phát ở châu Âu, nơi nhiều thành viên đang có mức nợ công cao, mặc dù nhìn một cách tổng thể, nó vẫn là một tin tốt đối với các nước phát triển tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch. Năm 2015, cả châu Âu đang chờ đợi cú hích kinh tế từ những biện pháp mạnh mẽ của tân Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker để thổi luồng gió mới vào nền kinh tế hiện đang trì trệ này.
Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)