Tại xã biên giới Tam Thanh, nơi có đường vành đai biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, những đàn châu chấu bay từ nơi khác đến địa bàn xã và khi đậu xuống các bụi tre, luồng, vầu, chúng sẽ ăn từ 25% đến 90% lá cây.
Hiện, việc tiêu diệt loại sinh vật gây hại này chủ yếu dựa vào biện pháp thủ công nên hiệu quả không cao, do châu chấu có đặc điểm là liên tục di chuyển, không đậu ở cố định một chỗ, do vậy rất khó để giám sát và đánh bẫy.
Ông Lò Văn Huyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, sau khi được người dân báo tin châu chấu xuất hiện, vào ngày 25/7 lượng lượng chức năng xã đã đi kiểm tra thấy châu chấu xuất hiện ở khu vực suối Dục. Đây là lần đầu loài châu chấu tre xuất hiện tại khu vực đường vành đai biên giới giáp nước bạn Lào với mật độ cư trú trung bình từ 600 - 2.000 con/bụi (châu chấu tuổi trưởng thành), diện tích bao phủ và di chuyển khoảng 30 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, cơ quan chức năng huyện Quan Sơn và nhân dân chưa có biện pháp để phòng chống triệt để đàn châu chấu này, người dân đang sử dụng biện pháp thủ công, khoanh vùng, khi châu chấu sinh nở thì diệt ấu trùng. Dù đàn châu chấu chưa đe dọa trực tiếp đến vùng trồng lúa của người dân, nhưng những khu rừng luồng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Sơn, để chủ động ứng phó với nạn châu chấu, huyện đang phối hợp với xã Tam Thanh và xã Na Mèo khoanh vùng, nắm bắt đường di chuyển và vận động nhân dân có biện pháp phòng trừ, tiêu diệt bằng phương pháp thủ công, không để châu chấu tràn xuống đồng ruộng phá hoại hoa mùa, cán bộ nông nghiệp cũng sẽ nắm bắt chu kỳ sinh nở của châu chấu, khoanh vùng diệt trứng, ấu trùng bằng phun thuốc không để sinh sôi trên diện rộng. Đồng thời, báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa để xin phương án chỉ đạo.