Ông Bùi Xuân Phong cho biết, năm 2016-2017, loài châu chấu này đã gây hại thành dịch và tổ chức phòng trừ khá rộng. Tuy nhiên những năm gần đây, Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn các địa phương chủ động phòng trừ, sau đó diện tích châu chấu này gây hại đã giảm dần.
Từ đầu năm tới nay, châu chấu phát sinh gây hại ở diện hẹp ở một số địa phương như: Điện Biên, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Nguy cơ loài châu chấu này gây hại có thể kéo dài đến tháng 8.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm loài châu chấu này, ông Bùi Xuân Phong cho biết, đây là loài cũng có tập tính di cư, tuy nhiên mức độ gây hại nhẹ và đàn nhỏ hơn so với châu chấu sa mạc. Thức ăn ưa thích nhất của loài châu chấu tre lưng vàng này là lá tre. Khi châu chấu này di cư đến đâu thì chúng sẽ ăn cây tre đầu tiên, sau đó trên ngô, lúa nhưng với diện tích hạn chế và sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng trừ để giảm thiệt hại cho nông dân.
Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn cho các địa phương và nông dân phòng trừ châu chấu tre lưng vàng ngay từ năm 2016 và đến nay biện pháp phòng trừ này là khá đơn giản nhưng cũng có những khó khăn do đặc thù riêng. Đó là phải phun trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật khi châu chấu tre lưng vàng mới nở, ông Bùi Xuân Phòng cho hay.
Thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, thời điểm này châu chấu sẽ đẻ trứng, châu chấu trưởng thành chết và trứng sẽ ở dưới đất đến tận tháng 3, tháng 4 năm sau mới nở. Cục Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo các địa phương, hướng dẫn cho nông dân tìm những nơi châu chấu thường trú ngụ giao phối để đánh dấu và đến tháng 3, tháng 4 năm sau chuẩn bị sẵn thuốc bảo vệ thực vật, nhân lực, phương tiện để khi phát hiện châu chấu nở thì thực hiện phun trừ ngay. Đây là giải pháp phòng trừ mà các địa phương đã thực hiện rất hiệu quả.
Hàng năm, Cục Bảo vệ thực vật đều hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, trước khi trứng nở đã có kế hoạch phòng trừ; trong đó địa phương có hỗ trợ kinh phí về thuốc bảo vệ thực vật, nhân lực… với những diện tích không thuộc người dân quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Phong, có điểm khó khăn là nếu châu chấu đẻ trứng ở trong rừng sâu, xa thôn bản nên người dân sẽ không phát hiện được. Do đó, khi lớn lên, chúng sẽ tụ tập thành đàn lớn hơn và di chuyển, gây hại. Ở thời điểm này, chúng ta lại tiếp tục phòng trừ, bảo vệ lúa, ngô cho nông dân.
Ông Bùi Xuân Phong cũng cho biết, theo thông tin từ các địa phương, hiện tỉnh Điện Biên có khoảng 4 ha ngô, Bắc Kạn có khoảng 3 ha ngô bị thiệt hại bởi loài châu chấu này. Tuy nhiên, ở Bắc Kạn do ngô đã già nên không ảnh hưởng đến năng suất, còn tại Điện Biên do ngô đang giai đoạn xoáy nõn nên dự kiến sẽ ít ảnh hưởng đến năng suất.