Vì vậy, các nhà máy điện mặt trời đang tăng tốc để có thể phát điện trước ngày 30/6. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn trong khâu vận hành hòa lưới điện quốc gia.
"Nước rút" để hưởng ưu đãi 2.086 đồng/kWh
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019, các dự án đầu tư điện mặt trời hòa lưới điện được hưởng giá bán điện cho EVN tại thời điểm giao nhận điện là 9,35 Uscents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).
Nếu so sánh với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh và mới tăng lên khoảng 1.864 đồng/kWh, thì có thể thấy lợi nhuận mà điện mặt trời hòa lưới điện mang đến cho doanh nghiệp.
Thời điểm ngày 30/6 sắp đến gần, đây là lúc mà các nhà máy “nước rút” cho kịp tiến độ hòa lưới, nhất là các dự án tại khu vực Ninh Thuận.
Cả 3 dự án điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3 của Công ty CP năng lượng BIM đầu tư tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã đảm bảo tiến độ hòa lưới điện quốc gia theo đúng kế hoạch.
Khởi công từ tháng 1/2018, đến nay, Nhà máy điện mặt trời BIM 1 đã hoàn thành 100% việc lắp đặt giá đỡ và các tấm pin năng lượng mặt trời, chính thức phát điện đầu tháng 4. Nhà máy điện mặt trời BIM 2 cũng đạt 97%, và Nhà máy điện mặt trời BIM 3 đạt 95%.
Ông Nguyễn Phương Trung, Chuyên viên điều phối dự án của Công ty CP năng lượng BIM chia sẻ: “Dự án BIM 2 công suất 250 MW đã hoàn thiện toàn bộ phần lắp đặt. Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục hồ sơ để đóng điện vào cuối tháng 4. Với BIM 3 thì phần lắp đặt cũng đã được hoàn thiện và đang chuẩn bị thủ tục để đóng điện kịp trước tháng 6/2019”.
Nhà máy điện mặt trời Solar 1 của Công ty CP BP Solar đã chính thức hòa lưới điện quốc gia sau hơn 6 tháng khẩn trương thi công. Nhà máy có diện tích 62 ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 1.315 tỉ đồng, tổng công suất 46 MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 75 triệu kWh/năm. Công ty CP Điện Gia Lai (GEC) cũng cho biết, sẽ đưa vào vận hành thêm 2 nhà máy điện mặt trời tại Long An và Bình Thuận trước 30/6 để hưởng giá bán điện ưu đãi trong suốt 20 năm là 9,35 cents/kWh. Tổng công suất của 2 dự án này là 98 MWp.
Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP phong điện Thuận Bình (công ty đang thử nghiệm đầu tư điện mặt trời tại Tuy Phong, Bình Thuận) cho rằng, mức giá bán điện 9,35 cent/kWh nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án điện mặt trời. Theo ông Thịnh, vì mức giá hấp dẫn này, mà thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã xin làm dự án điện mặt trời, dẫn đến quy hoạch điện mặt trời bị phá vỡ.
Thực tế, theo Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8/2018, đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100 MW. Công suất này đã vượt nhiều lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh mà Thủ tướng phê duyệt (trong đó định hướng phát triển điện mặt trời đạt khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025).
Còn nhiều thách thức
EVN cho biết, hiện nay, gần 100 nhà đầu tư đang tập trung cao độ để phấn đấu đạt được các yêu cầu công nhận Ngày vận hành thương mại (COD). Việc dồn dập tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận COD cho gần 100 dự án điện mặt trời chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng là thách thức không nhỏ với các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện.
Tuy vậy, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN khẳng định, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư để các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019. EVN đã đơn giản hóa nhiều thủ tục so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư và các đơn vị của EVN cũng đã trao đổi, thảo luận để làm rõ một số vấn đề kỹ thuật.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời, điện gió có mặt tích cực không thể phủ nhận là tăng tỷ trọng khai thác nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát sinh nguồn điện trực tiếp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, mặt trái là quá nhiều dự án điện mặt trời phát triển cùng lúc sẽ làm quá tải hệ thống truyền dẫn, dẫn đến khả năng phải đầu tư thêm lưới điện truyền tải, trạm biến áp...
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2007 Chính phủ đã có chủ trương phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Khi có mức giá 9,35 cent/kWh, nhiều nhà đầu tư ồ ạt xin làm dự án điện mặt trời. Việc đầu tư không đồng bộ, không có cơ chế vận hành thích hợp có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...
Cụ thể, điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm thì điện mặt trời gần như không hoạt động, trừ phi có hệ thống pin, ắc quy tích điện. Nếu một dự án bình thường để đầu tư 1 MW điện mặt trời tốn 1 triệu USD, nhưng kèm theo bộ tích điện thì chi phí đầu tư tăng lên gấp đôi.
Vì vậy khi hàng ngàn MW điện mặt trời được nối lưới, EVN vẫn phải tính toán phát triển nguồn bù vào hệ thống khi điện mặt trời không hoạt động.
Để các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành đúng tiến độ dự kiến, các chủ đầu tư cần sớm cung cấp tài liệu kỹ thuật của dự án và đầu mối liên lạc cho các cấp điều độ theo quy định để phối hợp chuẩn bị đóng điện công trình; định kỳ ngày 15 hàng tháng cập nhật tiến độ gửi cấp điều độ có quyền điều khiển. Thời gian thử nghiệm, nghiệm thu phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2019.