Chè Thái Nguyên loay hoay vươn ra thị trường thế giới

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, sản lượng chè xuất khẩu của tỉnh đang có xu hướng giảm dần, bình quân giai đoạn 2011- 2015 giảm 2,34%.

Cụ thể, năm 2011 sản lượng chè xuất khẩu đạt 6.926 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11,5 triệu USD, đến năm 2016, sản lượng chè Thái Nguyên tiêu thụ nội địa đạt .200 tấn, chiếm 90% sản lượng chè chế biến. Trong khi đó, sản lượng chè xuất khẩu chỉ đạt 3.800 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,2 triệu USD.

Nguyên nhân chủ yếu sụt giảm sản lượng chè xuất khẩu là do hầu hết các doanh nghiệp chế biến chè không chủ động vùng nguyên liệu; giá thu mua chè của các nhà máy chế biến luôn thấp hơn thị trường vì vậy không mua được nguyên liệu, nhà máy sản xuất cầm chừng không hết công suất. Đặc biệt các doanh nghiệp chế biến không có mối liên kết chặt chẽ với các nhóm nông dân, các hộ sản xuất chè búp tươi để thu mua nguyên liệu.

Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Chè Thái Nguyên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng chủ yếu chỉ là nguyên liệu thô với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá trên thị trường thế giới, dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất. Các mặt hàng chè chế biến chưa thực sự đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã, có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, đóng gói gia tăng giá trị cho trà cũng như đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ...

Hiện tại, giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức 120.000 - 220.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000 - 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu dao động 1,7 - 2,0 USD/kg tuỳ chủng loại, và lượng chè xuất khẩu không nhiều, các bạn hàng quen thuộc chủ yếu vẫn là Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan,...

Chè đặc sản ở làng nghề chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Để chè Thái Nguyên phát huy sức cạnh tranh và khẳng định vị thế là cây đặc sản, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên và vươn mạnh ra thế giới, bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Minh, Thành phố Thái Nguyên chia sẻ, giải pháp căn cơ cho chè Thái Nguyên hiện tại là buộc phải tập trung vào chất lượng sản phẩm, đa dạng sản phẩm, mẫu mã, và đi liền đó là xây dựng thương hiệu.

Chè xuất khẩu và được giá phải qua quy trình đánh giá chất lượng rất nghiêm ngặt, từ các điều kiện về tự nhiên, nguồn đất, nước, phân bón, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,…được phân tích khoa học và theo các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, sản xuất hữu cơ đã tạo ra sản phẩm chè sạch mà mọi người trong xã hội đều tìm mua sử dụng, nên chè Thái Nguyên cần có hướng đi này mới có giá cao, khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ trong chăm sóc theo quy chuẩn chè sạch, an toàn cũng như chế biến chè theo hướng chất lượng cao để xuất khẩu. Trong cuộc thi chè quốc tế năm 2016 được tổ chức ở Canada, sản phẩm chè tôm nõn của Công ty cổ phần Chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên đã xuất sắc vượt qua hàng chục sản phẩm chè tiêu biểu của nhiều quốc gia và giành giải Bạc. Kết quả đó đã mở ra cơ hội, triển vọng và động lực cho các doanh nghiệp chè của Thái Nguyên mở rộng thị trường khó tính như Bắc Mỹ.

Đóng gói chè đặc sản tại làng nghề chè xóm 9, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chè Hà Thái cho biết, trà Thái Nguyên không thua kém bất kỳ chè của Quốc gia nào. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là yếu trong quảng bá, kém trong quá trình từ trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất chè cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến sâu theo hướng nâng cao chất lượng, thay vì chạy theo sản lượng, bán thô...


Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, lâu nay chúng ta chỉ nhìn vấn đề năng suất, sản lượng mà không để ý đến khâu nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè. Đánh giá hiệu quả phải dựa vào giá trị của sản phẩm.

Ông Dũng cho biết, tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỉnh phát triển vùng nguyên liệu chè theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chè hữu cơ; hỗ trợ kinh phí để người dân và doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ,…

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 30% sản lượng chè của tỉnh được mang các nhãn hiệu bảo hộ trong nước và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; 80% sản lượng chè xanh, chè xanh chất lượng cao tiêu thụ thị trường thế mạnh trong nước; 20% sản lượng chè xuất khẩu sang các thị trường khó tính của quốc tế.

Quân Trang (TTXVN)
Hơn 220 tỷ đồng phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên
Hơn 220 tỷ đồng phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên dự kiến từ nay đến năm 2020 đầu tư trên 220 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng. Còn lại là các nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nguồn vốn khác để triển khai đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN