Cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có công suất thiết kế đảm bảo chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm. Nhờ đó, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu duy trì sự tăng trưởng khá, xuất siêu ngày càng tăng đưa nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều lĩnh vực có công nghệ chế biến hiện đại
Không chỉ đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, cả nước còn có hàng chục nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp cả nước làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực. Ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.
Một số ngành hàng đã có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới như: hạt điều, lúa gạo, tôm, cá tra… Các doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Là một doanh nghiệp có trên 60 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Doveco đã và đang xây dựng thành công mô hình sản xuất kinh doanh khép kín từ sản xuất, công nghiệp chế biến và kinh doanh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, nhất là rau quả. Hiện nay, Doveco đang sở hữu 2 Trung tâm chế biến tại Ninh Bình và Gia Lai với tổng công suất trên 80.000 tấn sản phẩm/năm. Công nghệ chế biến của Italy, Thụy Điển, Nhật Bản. Thời gian tới, Doveco dự kiến mở thêm Trung tâm chế biến tại tỉnh Sơn La.
Không chỉ vậy, trước khi Nhật Bản chấp thuận cho quả vải tươi Việt Nam, Doveco đã xuất khẩu quả vải với công nghệ đông lạnh nhanh (IQF) sang thị trường này từ rất lâu. Đây là công nghệ của Nhật Bản với nhiệt độ hầm đông lạnh khoảng âm 45 độ C, quả vải từ nhiệt độ môi trường, sau 5 phút qua hầm đông thì nhiệt độ tâm quả vải khoảng âm 18 độ C. Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng đưa quả vải tươi sang Nhật Bản, Doveco vẫn duy trì xuất khẩu loại quả này với công nghệ IQF.
Tuy nhiên, với thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng sang Tây Âu, Nhật Bản, Trung Đông, Israel, Trung Quốc... hiện nguyên liệu phục vụ cho chế biến của cả hai trung tâm của Doveco đều thiếu như: ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt, dứa, chanh dây…
Tuy chưa tạo được giá trị xuất khẩu cao nhưng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thịt cũng đã có sự hiện hiện của những doanh nghiệp đi đầu như: Công ty TNHH Koyu & Unitek, Masan, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam…
Được áp dụng máy móc công nghệ chế biến hiện đại nhất của Tập đoàn C.P. theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu và Nhật Bản, Nhà máy thực phẩm C.P. Hà Nội (Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam) được đầu tư vốn 20 triệu USD. Với máy móc hiện đại, tự động, nhập khẩu từ châu Âu, nhà máy gồm 2 dây chuyền, giết mổ gà tự động hoàn toàn công suất 43.000 tấn/năm và phòng cấp đông nhanh. Nhà máy còn có dây chuyền sản xuất xúc xích tự động hoàn toàn cũng nhập khẩu đồng bộ từ châu Âu với công suất 10.800 tấn/năm.
Không chỉ có nhà máy chế biến thực phẩm và thủy sản tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, với kinh nghiệm đến từ các nhà máy xuất khẩu vào châu Âu và Nhật Bản của Tập đoàn, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam còn đang đầu tư một dự án theo chuỗi giá trị khép kín từ “Feed - Farm - Food” với tổng giá trị 200 triệu USD tại Bình Phước.
Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2020 và sản xuất 50 triệu gà thịt mỗi năm, giết mổ, chế biến xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Nhật Bản. Theo ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, dự án sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn của quốc tế.
Hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu và thị trường
Tuy đã có một số doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực chế biến, nhưng sự phát triển của ngành chế biến nông sản của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngoài quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực chế biến còn hạn chế, vấn đề chất lượng của nguyên liệu còn không ổn định. Việc tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nên việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam còn hạn chế.
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng…
Điển hình, lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như: mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên gây ra nhiều tổn thất sau thu hoạch.
Bảo quản sau thu hoạch vẫn là khâu yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực nhưng dao động từ 10 - 20%. Cơ sở vật chất như: phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.
Đi lên chủ lực từ mảng nông sản chế biến sấy khô, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit cho rằng, chế biến rất quan trọng nhưng khâu bảo quản cần ưu tiên trước tiên. Bởi nếu không có khâu này sẽ không có được các công nghệ phía sau. Cái cuối nguồn đầu tư khá tốt nhưng đầu nguồn lại đang là zero (0) thì cũng không đem lại hiệu quả.
Tại các địa phương, vùng sản xuất lớn vẫn chưa có những kho lưu trữ đầu nguồn nên khi có trở ngại về thị trường là bế tắc. Nếu đầu nguồn có các trung tâm phân loại, sơ chế tốt thì việc tương tác với thị trường để lưu kho, lưu trữ sẽ rất dễ dàng. Các nước sản xuất nông sản lớn luôn có hệ thống trung tâm sơ chế đầu nguồn để làm bước hàng rào trước khi đi vào thị trường. Hàng rào đó là để ngăn chặn các thương gia, đội buôn, thương buôn... Các đơn vị thương mại phải tới trung tâm đó và họ sẽ được cung cấp các sản phẩm phù hợp.
Các trung tâm này sẽ quản lý vùng trồng, truy suất nguồn gốc… Khi nông sản qua trung tâm này sẽ có một mức giá công bằng, hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, các doanh nghiệp lớn có thể nói dư tiền để đầu tư. Chuyện đầu tư không còn là chuyện bí mật, họ sẵn sàng đầu tư nếu thị trường có nhu cầu.
Điển hình Vinamit, mỗi năm đầu tư từ 1 - 5 triệu USD về công nghệ thiết bị, chưa kể đầu tư cho vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp luôn chủ động đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường, nhất là công nghệ mới để sản phẩm được tự nhiên mà không cần phải sử dụng chất bảo quản.
“Nhu cầu thị trường ngày càng phát triển thì doanh nghiệp phải đi trước một bước. Nếu doanh nghiệp không tự nâng cao thì chỉ một thời gian sẽ bị thụt lùi. Đây là điều doanh nghiệp luôn phải làm và làm theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Lâm Viên chỉ ra.
Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành nông nghiệp đến năm 2030 là: “nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu”.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản. Theo đó sẽ điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Đặc biệt là lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
Cùng với đó, Bộ cùng các bộ, ngành, địa phương tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản. Phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản theo định hướng mang tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao về chế biến các ngành hàng này; đồng thời phát triển các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ nông sản tại chỗ cho nông dân.
Cùng với phát triển khoa học công nghệ, việc phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế cũng là đòi hỏi tất yếu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bài cuối: Chuyển đổi số - Chiến lược cho những doanh nghiệp dẫn đầu