Khách tham quan tại gian hàng của doanh nghiệp trong Hội chợ Quốc tế hàng Thủ công mỹ nghệ, Đồ gỗ và hàng Quà tặng Việt Nam. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Hiện việc triển khai các giải pháp và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP (Nghị quyết 35) ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 19/NQ-CP (Nghị quyết 19) ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào thực tế đang gặp một số rào cản. Để đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn, chính sách thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tạm dừng quay trở lại hoạt động của cả nước là 35.749 doanh nghiệp.
Trong số này có 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 271.200 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp; tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với quý I/2016.
Điều này cho thấy tác động tích cực của các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh đã lan tỏa một luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục so với các quý và số vốn cam kết đưa vào thị trường duy trì ở mức cao cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng và nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường.
TP Hồ Chí Minh được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 35, Nghị quyết 19.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ Tp.Hồ Chí Minh , quý I vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước khoảng 5,1%, trong khi Tp.Hồ Chí Minh tăng trưởng 7,46%.
Trong số 26.478 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2017 của cả nước, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lên tới 23.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, Tp.Hồ Chí Minh t hành lập 7.566 doanh nghiệp và số tạm ngừng, giải thể khoảng 1.300 doanh nghiệp.
Trong bức tranh chung của cả nước, sự tăng trưởng này cho thấy các chính sách mà Tp.Hồ Chí Minh đang thực hiện đã đi đúng hướng và dần đi vào cuộc sống – ông Ngân nhận định.
Đánh giá của Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, các chỉ số cải thiện môi trường cạnh tranh và các cam kết của một số tỉnh, thành phố phía Nam theo Nghị quyết 35, Nghị quyết 19, trong đó có Tp.Hồ Chí Minh đều bằng và cao hơn mục tiêu đề ra.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Tp.Hồ Chí Minh , nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý đã chủ động tìm giải pháp hỗ trợ như tạo sự thông thoáng dễ dàng trong thủ tục, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp trong 2 ngày làm việc, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong 1 ngày, các giấy phép con như về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự trong vòng 2 ngày…
Thực hiện chủ trương của thành phố về phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35, từ nay đến năm 2020, Tp.Hồ Chí Minh có 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Vừa qua, Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tuyên truyền và hỗ trợ kịp thời thông tin liên quan về thuế cho doanh nghiệp mới thành lập.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu là không để doanh nghiệp gặp khó khăn, trở ngại về thủ tục thuế làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Cục Thuế thành phố đã triển khai các hình thức hỗ trợ đa dạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các kênh thông tin hỗ trợ của cơ quan thuế gồm nhiều nội dung cụ thể tại trang thông tin điện tử, video clip giới thiệu các thủ tục thuế, tài liệu hướng dẫn… và giải đáp trực tiếp tại các điểm hỗ trợ tại Cục và 24 Chi cục thuế quận, huyện.
Đồng thời, Cục thuế cũng vận động các đại lý thuế, đơn vị cung cấp dịch vụ, phần mềm kế toán, chữ ký số miễn giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, hai vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp là ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều.
Thực hiện Nghị quyết 35, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, chính vì vậy kết quả mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2016 rất ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 0,5-1%/năm.
Hiện nay lãi suất cho vay phổ biến từ 6-9%/năm đối với lãi suất ngắn hạn và 9-11%/năm đối với lãi suất trung và dài hạn. Riêng đối với nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, minh bạch, tình hình tài chính tốt thì lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ 4-5%/năm.
Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng chuyển sang cách điều hành tỷ giá mới linh hoạt, công bố hàng ngày nên trong năm 2016 mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới biến động nhưng tỷ giá về cơ bản ổn định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu.
Tín dụng tăng trưởng năm 2017 đạt mục tiêu đề ra 18%/năm; trong đó cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm trên 80%. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp trong năm 2016 được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là khả quan hơn.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức 165 cuộc hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, riêng Tp.Hồ Chí Minh đã tháo gỡ cho gần 23.000 doanh nghiệp với số tiền cho vay 178.000 tỷ đồng. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam năm 2016 xếp hạng 83/183 quốc gia, có nghĩa cải thiện được 5 bậc so với năm trước.
Bài 2: Hỗ trợ vốn, chính sách thuế