Chưa thể lơ là với lạm phát

Cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và quý I/2013. Sau 9 tháng tăng liên tiếp kể từ tháng 7/2012, CPI tháng 3 đã trở lại trạng thái âm, giảm 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI quý I tăng 2,39%, mức tăng thấp so với thông lệ hàng năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu kiểm soát CPI năm nay ở mức tăng 6,5% thì vẫn chưa thể chủ quan.

Diễn biến CPI quý I phù hợp với quy luật

Trước khi TCTK công bố CPI của cả nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã thông báo CPI trong tháng 3 với mức giảm lần lượt là 0,21% và 0,29%. Theo Cục Thống kê Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức giảm trên là phù hợp với quy luật hàng năm.


 

Người tiêu dùng chọn mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.op mart.

Đại diện TCTK ngày 23/3 cho hay: Mặc dù CPI tháng 3 giảm nhưng tính chung 3 tháng đầu năm, CPI vẫn tăng 2,39%. Tuy nhiên, mức tăng này cũng thuộc loại thấp, không có gì bất thường so với cùng kỳ nhiều năm trước, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.


Theo lý giải của Cục Thống kê Hà Nội, CPI Hà Nội tháng 3 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái là hợp với quy luật vì cứ sau thời điểm Tết Nguyên đán hàng năm, giá lương thực thực phẩm dần ổn định, dần quay lại mức giá như thời điểm trước Tết. Tháng 3 này, chỉ số giá nhóm thực phẩm cũng đã giảm 1,36% so tháng trước. Số liệu TCTK cũng phản ánh: Trong tháng 3, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống của cả nước đã giảm 0,53% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,59%, thực phẩm giảm mạnh 0,95% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87%. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính chỉ số giá nên xu hướng giảm của nhóm hàng hóa này đã có tác động kéo giảm CPI chung.


Chia sẻ với phóng viên Tin tức ngày 24/3, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: CPI tháng 3 giảm và tăng thấp ở quý I không có gì bất thường. “Mức giảm CPI tháng 3 cũng phản ánh tình hình tổng cầu, sức mua của người dân ở mức thấp, trong khi đó hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn còn lớn nên khó đẩy giá hàng hóa lên. Tuy nhiên với diễn biến này thì mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức 6,5% là khá yên tâm”, ông Ánh nói. CPI quý I/2013 ở mức 2,39% được cho là con số đẹp khi theo thông lệ CPI quý I thường bằng 50% CPI của cả năm.


“Thông thường CPI cuối quý I và đầu quý II có thể giảm là quy luật bình thường. Tuy nhiên, cũng khó có thể dự báo CPI dài hơi được vì còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế vĩ mô khác của Nhà nước; nhất là việc “bơm” tiền để cứu doanh nghiệp bất động sản”, một chuyên gia kinh tế nói.


Các chuyên gia kinh tế cho rằng: việc CPI tăng thấp trong quý I và có khả năng tăng thấp trong các tháng tới là một tin vui đối với người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp. Đó cũng là tín hiệu khả quan để thực hiện việc hạ lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay, tăng tín dụng để tạo dòng chảy cho vốn vào sản xuất kinh doanh, nhằm cứu doanh nghiệp, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước và thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng.


Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại vẫn còn khá nhiều yếu tố tiềm ẩn khiến CPI có thể tăng cao. Đó là: các tỉnh, thành phố còn lại trong cả nước sẽ tăng giá dịch vụ y tế. Giá các mặt hàng như điện, than, xăng dầu… tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình thực hiện giá thị trường nên cũng có nguy cơ tăng trong năm nay. Đặc biệt, những tháng đầu năm, lạm phát do cung tiền thường thấp, bởi gần như hết quý I, các hoạt động đầu tư, kinh doanh ít triển khai. Trong khi đó, thường vào những tháng cuối năm, cung tiền lại có xu hướng tăng mạnh. Cung tiền tăng là yếu tố cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu chính sách tiền tệ, tài khóa không được phối hợp điều hành chặt chẽ và kiểm soát hợp lý, sẽ khiến lạm phát tăng cao trở lại. Do vậy việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ cần rất quyết liệt để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.


Bà Bùi Bảo Ngọc, Ban Dự báo kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Mặc dù, tốc độ CPI trong quý I tuy chưa đáng lo, nhưng chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát khi xét trên các mặt. Cụ thể: về tài chính, là việc cắt giảm, giãn một số khoản thu ngân sách từ năm trước và được tiếp tục trong năm nay với liều lượng cao hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường sẽ ảnh hưởng đến việc tăng lạm phát. Về tiền tệ, tín dụng, việc giảm lãi suất huy động và cho vay trong thời gian qua, việc thực hiện quyết liệt hơn để xử lý nợ xấu, tồn kho, bất động sản... cũng sẽ tạo ra hiệu ứng làm tăng sức ép đối với CPI.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN