Ông Hoàng Trung cho biết, ngoài các chuyên gia, cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam, Cục tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp nắm chắc các yêu cầu của phía Nhật Bản để các khâu kỹ thuật đáp ứng đúng các yêu cầu. Các lô vải quả xử lý xong bảo đảm chất lượng, bảo đảm các đối tượng kiểm dịch thực vật phía Nhật Bản quan tâm. Thời gian tới, Cục sẽ cử chuyên gia giám sát tại chỗ; cử lực lượng kiểm dịch, cấp giấy, niêm phong tại chỗ rồi chuyển xuất khẩu.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã bố trí toàn bộ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng V phụ trách tỉnh Bắc Giang. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I phụ trách tỉnh Hải Dương, bảo đảm đủ nguồn lực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp bất cứ lúc nào.
Ông Hoàng Trung cũng hy vọng, với cách thức triển khai chủ động từ phía cơ quan Trung ương và địa phương thì việc xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới đảm bảo đúng quy định và số lượng xuất khẩu sẽ nhiều hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng rất hồ hởi đăng ký việc kiểm dịch để xuất khẩu sang thị trường này.
Với việc Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam về kiểm dịch thực vật quả vải, ông Hoàng Trung khẳng định, chúng ta có thể chủ động hoàn toàn các khâu kỹ thuật, các lịch trình làm việc. Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương, doanh nghiệp có thể thống nhất ngay các lịch làm việc. Điều này sẽ giúp cho việc giảm chi phí, thời gian, không bị phụ thuộc vào thời gian làm việc của chuyên gia Nhật Bản. Việt Nam đảm bảo đủ lực lượng thực hiện và đảm bảo đúng các quy định của Nhật Bản. Với cách làm như vậy, cả doanh nghiệp và địa phương sẽ chủ động về số lượng, số lô xuất khẩu.
“Đây là tiền đề để thời gian tới, Việt Nam sẽ không phải phụ thuộc vào chuyên gia của Nhật Bản, không chỉ quả vải mà đối với những loại quả khác, chúng ta đều có thể thực hiện theo phương thức này.”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã phối hợp Cục Bảo vệ thực vật, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu tiến hành kiểm tra các điều kiện cần thiết về xông hơi khử trùng quả vải tươi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đến nay, công tác sơ chế, bảo quản, xông hơi khử trùng tại Công ty Toàn Cầu đã được chuẩn bị đầy đủ, các điều kiện cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Bắc Giang có diện tích mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 219,45 ha, với 30 mã số vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã mời gọi được 5 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Hiện tại, các doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng.
Hải Dương có diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu khoảng 10.000 ha; trong đó: 45 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Australia, Nhật Bản với 500ha. Một số công ty xuất khẩu đã đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải của Hải Dương để xuất khẩu đi thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, EU…