Trong phiên chiều nay, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm hơn 1%, xuống 515,24 điểm, mức thấp trong 1 năm qua. Trong phiên trước đó, chỉ số này đã giảm 0,8%.
Còn tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 92,89 điểm (hay 0,41%), xuống còn 22.487,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) sụt mất 269,03 điểm (hay 0,99%) xuống 26.974,82 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 12,75 điểm (hay 0,47%) và đóng phiên ở mức 2.691,59 điểm.
Thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc) cũng tràn ngập sắc đỏ, khi chỉ số KOSPI giảm 4,16 điểm (hay 1%), xuống còn 2.287,61 điểm.
Phiên này, chỉ số S&P/ASX 200 tại Sydney cũng giảm 70 điểm (hay 1,12%) và khép phiên với 6.160,40 điểm, trong bối cảnh nhiều mã chứng khoán, (trừ ngành viễn thông), đều sụt giảm đã tác động xấu tới thị trường.
Thị trường tài chính toàn cầu lo ngại một cuộc khủng tài chính xảy ra tại Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan rộng và gây tác động xấu đến nhiều nền kinh tế hàng đầu châu Á khác.
Nam Phi là thị trường mới nổi gần đây nhất, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, tác động tới thị trường sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái sau hai quý suy giảm liên tiếp (giảm lần lượt 2,6% và 0,7% trong quý I và quý II/2018), do các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, thương mại và chế tạo của nước này đều sụt giảm. Đây là lần suy thoái kinh tế đầu tiên ở Nam Phi kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Trong lúc quá trình lấy ý kiến công chúng về đề xuất của Tổng thống Donald Trump đánh thuế 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khép lại trong tuần này, các thị trường cũng hướng sự chú ý đến quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ và Canada trong ngày 5/9.
Trên thị trường tiền tệ châu Á, đồng USD giảm giá so với đồng yen Nhật Bản. Cụ thể, đồng USD giao dịch ở mức 111,34 yen/USD, từ mức 111,53 yen/USD trong phiên trước đó tại thị trường New York (Mỹ).