Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,25% lên mức 989,54 điểm. HNX-Index cũng chỉ tăng 1,71% lên 113,53 điểm.
Diễn biến thị trường cho thấy, phiên cuối tuần có một thời gian khá dài VN-Index tăng lên trên mốc 1.000 điểm. Đỉnh cao nhất của phiên này lên tới 1.003 điểm. Nhưng ngay sau đó, thị trường xuất hiện áp lực chốt lời rất mạnh khiến VN-Index lùi về mức 989,54 điểm (chốt phiên 31/8).
Theo giới phân tích, áp lực chốt lời có thể vẫn tiếp tục diễn ra trong tuần tới khi thị trường tiến sát tới ngưỡng 1.000 điểm. Thị trường nhiều khả năng tiếp tục đi lên trong rung lắc và giằng co mạnh.
Thực tế, đây là tuần thứ 7 thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên trong rung lắc. Mặc dù vậy, dấu hiệu của sự kết thúc xu hướng hồi phục vẫn chưa thực sự xuất hiện.
Theo giới quan sát, các yếu tố nội tại của thị trường, yếu tố vĩ mô trong nước vẫn đang ủng hộ một kịch bản thị trường đi lên. Trong khi đó, những thông tin trên thị trường thế giới vẫn chưa thực sự đáng lo ngại.
Mặc dù tuần qua Bloomberg đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp tục tiến hành đợt đánh thuế tiếp theo đối với lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Quá trình lấy ý kiến công chúng về danh sách hàng hóa bị đánh thuế sẽ khép lại vào ngày 6/9 tới. Đặc biệt, nhiều nguồn tin cho biết ông Trump muốn kích hoạt đợt thuế này ngay sau thời hạn nói trên.
Tuy nhiên, những thông tin này cũng không có gì là quá bất ngờ với giới đầu tư khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trong 1 khoảng thời gian đủ dài. Có lẽ, những gì xấu nhất tác động đến thị trường đã qua đi và cũng chưa có thông tin đủ sức mạnh để khiến thị trường chứng khoán có 1 “cú sụt” sâu.
Thực tế thị trường chứng khoán thế giới tuần qua vẫn tăng trưởng vượt kỳ vọng. Đơn cử, tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,7%, S&P 500 tăng 0,9% và Nasdaq cũng tăng 2,1%. Nhìn lại cả tháng Tám vừa qua, Dow Jones tăng 2,2%, S&P 500 ghi thêm 3% và Nasdaq tiến 5,7%.
Như vậy, cả Dow Jones và S&P đều ghi nhận ba tuần đi lên liên tiếp, còn Nasdaq chứng kiến tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp. Đây là tháng Tám có diễn biến tốt nhất kể từ năm 2014 của S&P và Nasdaq, đồng thời là tháng tăng điểm thứ năm liên tiếp của hai chỉ số này.
Mặc dù vào phiên cuối tuần các thị trường chứng khoán thế giới đều giảm điểm, nhưng theo đánh giá của giới phân tích thì đây chỉ là hoạt động chốt lời bình thường của nhà đầu tư. Nhìn chung diễn biến giao dịch của các thị trường chứng khoán thế giới tuần qua vẫn rất tốt.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, sau một quãng thời gian dài bán ròng, tuần qua khối ngoại đã quay trở lại mua ròng hàng trăm tỷ đồng. Đây là một dấu hiệu rất tích cực, hỗ trợ mạnh thị trường chứng khoán.
Cụ thể, khối ngoại trên thị trường mua ròng hơn 6,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 337,4 tỷ đồng. Đặc biệt, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng trở lại 272 tỷ đồng sau 8 tuần bán ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng mua ròng là 4,8 triệu cổ phiếu.
Trên sàn HNX, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị tăng 98% so với tuần trước và đạt 55,7 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, khối ngoại cũng có tuần thứ 6 mua ròng, nhưng giá trị giảm 40% so với tuần trước và đạt 9,6 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng mạnh, trong khi khối nội cũng tích cực giải ngân khiến thanh khoản cũng được cải thiện rất nhiều, với trung bình gần 5.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,7% lên 21.508 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 22,9% lên 3.441 tỷ đồng.
Thanh khoản tăng chứng tỏ mối quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán ngày càng tăng. Đây cũng là một yếu tố hỗ trợ mạnh thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, quan sát diễn biến của các nhóm cổ phiếu cho thấy, giao dịch của các nhóm cổ phiếu trong tuần qua không quá tích cực nhưng cũng chưa có dấu hiệu xấu đi.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường ngân hàng vẫn giữ được mức tăng nhẹ. Các mã cổ cổ phiếu quan trọng trong nhóm như VCB tăng 0,8%, CTG tăng 4%, BID tăng 3%, VPB tăng 3,4%, MBB tăng 0,9%, STB tăng 0,4%, ACB tăng 0,8%, SHB tăng 1,2%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch cùng chiều với thị trường với SSI tăng 4,6%, HCM tăng 5,1%, VCI tăng5,7%, VND tăng 3,7%, SHS tăng 2,7%...
Tuần qua, sự phân hóa của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã kéo giảm đà tăng của các chỉ số. Thị trường xuất hiện nhiều hơn các nhịp giằng co với biên độ lớn qua các phiên.
Những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường giảm mạnh như VNM giảm 3,4%, VIC giảm 0,6%, VHM giảm 6,7%... là nguyên nhân kéo giảm đà tăng của chỉ số VN-Index.
Trong khi vẫn còn có những mã tăng trưởng tốt như: SAB tăng 4%, VJC tăng 2,7%, MSN tăng 5%, HPG tăng 4,1%... là nhân tố nâng đỡ thị trường.
Giới phân tích nhận định, Với diễn biến hiện tại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có lẽ hiện tượng giằng co và phân hóa mạnh tiếp tục diễn ra tại nhóm cổ phiếu này trong tuần giao dịch tiếp theo.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC, các cổ phiếu hiện vẫn đang có sự phân hóa mạnh. Theo VDSC: "Các chỉ số quay đầu giảm khi chạm kháng cự mạnh (là đường MA100). Một phiên giảm điểm trong xu thế tăng chưa gây ra nhiều lo ngại. Các cổ phiếu vẫn đang có sự phân hóa mạnh và cơ hội vẫn đang xuất hiện khá nhiều ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý hạn chế sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) cao ở giai đoạn hiện tại."
Nhóm nghiên cứu của Công ty Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) có cái nhìn tích cực hơn. Theo SHS, phiên điều chỉnh cuối tuần đơn thuần là một phiên chốt lời bình thường và dấu hiệu của sự kết thúc xu hướng hồi phục vẫn chưa thực sự xuất hiện. SHS tiếp tục nghiêng về khả năng thị trường tiếp đà tăng trong tuần tiếp theo.
Công ty này dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (4/9-7/9), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu tiếp theo lần lượt tại 995 điểm (MA50 tuần) và ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhận định: “Thị trường sẽ tiếp tục gặp phải áp lực rung lắc. Việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ leo thang sau ngày 6/9 sẽ là rủi ro cần lưu ý đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn".