Lịch sử đã có 6 tháng 10, vào các năm 1967, 1973, 1981, 1987, 1997 và 2007, chỉ số Hang Seng giảm tới 50%, thậm chí là hơn thế. Cho nên, cứ mỗi lần bước vào tháng 10, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Hồng Công, Trung Quốc) lại thấp thỏm, phập phồng.
Năm nay cũng vậy, tuy nhiên, nỗi lo lắng về sự trở lại của “lời nguyền tháng 10” phần nào lắng dịu so với năm 2011 khi mà phiên đầu tiên của tháng 10, Chỉ số Hang Seng đã tăng gần 48 điểm, dù ít nhưng vẫn tích cực hơn nhiều so với 770 điểm bị mất đi trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10/2011.
Một điểm khác nữa của chứng khoán Hong Kong tháng 10 tạo bệ đỡ cho các phiên giao dịch trong tháng 11 là chỉ số Hang Seng khởi đầu thuận lợi và kết thúc có hậu khi tăng tới hơn 213 điểm trong phiêu giao dịch cuối cùng của tháng.
Tổng cộng trong tháng 10/2012, chỉ số Hang Seng tăng 801 điểm hay 3,8%, đạt 21.641,82 điểm, là mức cao nhất trong vòng 14 tháng và cũng là tháng thứ 2 tăng liên tiếp.
“Lời nguyền tháng 10” của thị trường chứng khoán Hong Kong đã bị phá vỡ trong tháng 10/2012 trước tiên là nhờ chính sách nới lỏng định lượng (QE) của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet |
Tháng 9 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra QE3, tiếp theo đó Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng tiến hành bơm tiền vào thị trường qua các kênh khác nhau, khiến dòng tiền nóng lan đi khắp thế giới và một bộ phận đã chảy vào Hong Kong.
Tiền nóng đã làm cho nhu cầu đồng HKD tăng lên, buộc Cục Quản lý Tài chính Hong Kong trong tháng 10 phải 7 lần can thiệp vào thị trường để giữ cho tỉ giá đồng HKD ổn định ở mức 7,75 HKD đổi được 1 USD.
Tổng cộng hơn 170,7 tỉ HKD (hơn 22 tỉ USD) đã được Cục Quản lý Tài chính Hong Kong bơm ra, giúp thị trường chứng khoán Hong Kong đi ngược lại diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hong Kong còn được khích lệ bởi dự đoán kinh tế Trung Quốc đã tạo đáy. Nhận định này dần trở thành hiện thực khi ngày 1/11/2012, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) của nước này đạt 50,2 điểm, sau 2 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm.
“Lời nguyền tháng 10” bị phá vỡ, cộng thêm kỳ vọng vào sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Trung Quốc cũng như tác động của dòng tiền nóng, nhất là việc sắp tới sẽ có thêm một số ngân hàng trung ương khác thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, bao gồm cả việc Ấn Độ tuần tới sẽ hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,25%, xuống mức 4,25%, nhiều khả năng xu thế tăng điểm của thị trường chứng khoán Hong Kong sẽ được củng cố trong tháng 11.
Hà Ngọc