Chứng khoán Hong Kong tháng 7 khó 'chuyển mình'

Hết “tháng 5 khốn cùng”, thị trường chứng khoán Hong Kong lại phải đối mặt với “tháng 6 tuyệt vọng” khi chỉ số Hang Seng mất tới 1.585 điểm, tương đương 14,7%. Hi vọng “chuyển mình” được đặt vào tháng 7, nhưng tình hình xem ra rất khó khăn.

Ngày đầu tiên của tháng 7, thị trường chứng khoán Đặc khu đóng cửa kỉ niệm 16 năm ngày Hong Kong trở về Trung Quốc với nhiều thông tin đáng mừng như giá trị thị trường tăng 6,25 lần, từ mức 3.200 tỉ HKD (khoảng 412 tỉ USD) vào cuối tháng 6/1997 lên mức 20.000 tỉ HKD (khoảng 2.580 tỉ USD) hiện nay.

Thị trường chứng khoán Hong Kong đỏ rực ngay từ những phiên đầu tháng 7.


Ngoài ra, số lượng công ty niêm yết và giá trị giao dịch bình quân hàng ngày cũng tăng mạnh. Nếu như năm 1997 chỉ có 658 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong cùng giá trị giao dịch bình quân hàng ngày là 15,4 tỉ HKD (gần 2 tỉ USD) thì tới cuối năm 2012, con số này lần lượt là 1.563 công ty và 60,4 tỉ HKD (gần 7,8 tỉ USD).


Đặc biệt, sau “tháng 6 tuyệt vọng” với việc chỉ số Hang Seng mất tới 1.585 điểm, tương đương 14,7%, hi vọng “chuyển mình” được đặt vào tháng 7. Tuy nhiên, những diễn biến trong hai phiên giao dịch đầu tháng 7 cho thấy tình hình xem ra rất khó khăn.

Tại phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, các nhà đầu tư đã phải hứng chịu những thông tin không mấy tích cực từ kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê chính thức mới nhất, Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) tháng 6 của ngành chế tạo Trung Quốc đã giảm 0,7 điểm so với tháng 5, còn 50,1 điểm.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Trung Quốc do Ngân hàng HSBC công bố cũng giảm 1 điểm, còn 48,2 điểm.

Đây là mức thấp nhất trong 9 tháng qua, khiến thị trường lo ngại về viễn cảnh phục hồi của ngành chế tạo Trung Quốc.

Sang ngày 3/7, Goldman Sachs công bố báo cáo sách lược tổng hợp khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự đoán chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương trong 12 tháng tới sẽ giảm từ mức 550 điểm xuống mức 480 điểm.

Goldman Sachs duy trì mức đánh giá “trung bình” về thị trường Trung Quốc, nhưng lại nói rằng nếu quá trình điều chỉnh của kinh tế Trung Quốc kéo dài có thể sẽ phải xem xét lại mức đánh giá về thị trường nước này.

Đối với thị trường chứng khoán Hong Kong, Goldman Sachs duy trì mức đánh giá “giảm nắm giữ” (cổ phiếu), chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống và khả năng Mỹ rút chính sách nới lỏng tiền tệ (QE).

Những thông tin nêu trên đã tác động mạnh tới tâm lý các nhà đầu tư, khiến chỉ số Hang Seng trong hai phiêu đầu tháng 7 đã giảm gần 656 điểm, tương đương 3,15%.

Theo chuyên gia Trần Vĩnh Lục của Thời báo Tiền tệ, thị trường chứng khoán Hong Kong trong tháng 7 có “chuyển mình” hay không chủ yếu phải xem xét tình hình kinh tế tài chính của Trung Quốc.

Những động thái gần đây của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy giới chức nước này đã lựa chọn chính sách “chịu đựng nỗi đau ngắn hạn để đổi lại sự phát triển lành mạnh hơn về lâu dài”.

Cho nên, Trung Quốc sẽ không nới lỏng nguồn cung tiền và chứng khoán Hong Kong dù có hồi phục thì mức độ hồi phục cũng không quá lớn.


Tin, ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Phiên thảm họa của thị trường chứng khoán Hong Kong
Phiên thảm họa của thị trường chứng khoán Hong Kong

Sau tuần đầu tiên của tháng 6 được cho là tối tệ nhất kể từ tháng 5/2012, thị trường chứng khoán Hong Kong đã có phiên giảm điểm kỉ lục khiến chỉ số Hang Seng trở về với mức thấp nhất trong 9 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN