Phiên cuối cùng tháng 9, Chỉ số Hang Seng mất gần 350 điểm. Ám ảnh về “lời nguyền tháng 10” một lần nữa trở lại, nhất là khi phía trước có khá nhiều nhân tố không xác định.
Mười năm lại đây, chứng khoán Hong Kong trong tháng 10 có 7 lần tăng và 3 lần giảm. Năm 2012, “lời nguyền tháng 10” cũng bị phá vỡ, nhưng chủ yếu là do ngân hàng trung ương nhiều nước lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ thực hiện chính sách nới lỏng định lượng (QE).
Phiên giảm điểm ngày 30/9 khó được coi là tạo khởi đầu tốt đẹp cho chứng khoán Hong Kong tháng 10. |
Tuy nhiên, tình thế năm nay đã khác. Từ tháng 5/2013, thông tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm QE xuất hiện, khiến thị trường nhiều phiên chao đảo.
Sau phiên họp bàn về lãi suất vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, FED bất ngờ giữ nguyên quy mô QE, nhưng cũng chỉ mang đến hiệu ứng ngắn hạn.
Tuyên bố của Chủ tịch FED tại St. Louis, ông James Bullard rằng FED có thể cắt giảm QE vào cuộc họp tháng 10 ngay sau khi Chủ tịch FED đưa ra quyết định nêu trên đã khiến nỗi lo sợ về thanh khoản trở lại.
Đây chắc chắn sẽ trở thành một trong những nguyên nhân chính cản trở sự đi lên của chứng khoán thế giới nói chung và chứng khoán Hong Kong nói riêng trong tháng 10.
Tuy nhiên, trong phiên họp bàn về lãi suất vào cuối tháng 10, việc FED có cắt giảm QE hay không cần phải căn cứ vào số liệu kinh tế, đặc biệt là số việc làm tăng mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Theo chuyên gia Đỗ Kính Sáng thuộc Công ty Quản lý Quỹ Barings (châu Á), nếu số việc làm tăng mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp một tháng ở Mỹ vẫn giữ ở mức 150.000-160.000, FED sẽ không cắt giảm QE, nhưng nếu tăng lên khoảng 200.000, FED rất có khả năng sẽ cắt giảm QE.
Một nhân tố khác sẽ tác động tới thị trường chứng khoán Hong Kong ngay sau ngày nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc là vào 1/10, Trung Quốc sẽ công bố Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) chính thức.
Trước đó, vào sáng 30/9, Ngân hàng HSBC đã công bố chỉ số PMI tháng 9 của Trung Quốc ở mức 50,2 điểm, thấp hơn mức tính toán sơ bộ là 51,2 điểm.
Tuy chỉ số PMI do Ngân hàng HSBC công bố không hoàn toàn trùng khớp với chỉ số PMI do Trung Quốc công bố sau đó, nhưng vẫn có tính tham khảo nhất định.
Nếu chỉ số PMI do Trung Quốc công bố vào ngày 1/10 thấp hơn dự báo, rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán Hong Kong vào phiên 2/10 và sẽ kéo dài đà giảm của Chỉ số Hang Seng.
Còn vào trung tuần tháng 10, mức nợ trần của Mỹ sẽ chạm giới hạn. Xem xét ở khía cạnh lý tính, các nghị sĩ Mỹ nên thông qua dự thảo nghị quyết nâng cao mức nợ trần, nếu không các nhân viên chính quyền, bao gồm cả các nghị sĩ sẽ không được nhận lương.
Vấn đề là trần nợ công ở Mỹ đã trở thành cuộc đấu chính trị giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, cho nên, khó ai biết sẽ diễn biến thế nào và đương nhiên, sự bất đồng giữa hai chính đảng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư.
Do các nhân tố không xác định nêu trên, hiện nay, khó có thể xác định được thị trường chứng khoán Hong Kong có thoát khỏi “lời nguyền tháng 10”.
Tuy nhiên, có một thực tế được ghi nhận là kể từ tháng 10/2007 tới nay, chứng khoán Hong Kong thường dao động mạnh trong tháng 10, ví dụ năm 2007, mức độ dao động giữa đỉnh và đáy trong tháng 10 là 5.000 điểm, trong tháng 10/2008 là 7.600 điểm, còn các năm sau đó phổ biến duy trì ở mức 2.000 điểm.
Lịch sử thị trường chứng khoán Hong Kong ghi nhận 6 tháng 10, vào các năm 1967, 1973, 1981, 1987, 1997 và 2007, chỉ số Hang Seng giảm tới 50%. Đây cũng là căn nguyên hình thành “lời nguyền tháng 10”. |
Tin, ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)