Chứng khoán tuần từ 17 – 21/12: Nhiều yếu tố cản trở thị trường hồi phục

Việc các nhóm ngành cổ phiếu quan trọng nhất thị trường đang rơi vào điều chỉnh, thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh, thanh khoản sụt giảm đang là những yếu tố cản trở thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trong tuần tới.

Chú thích ảnh
Nhận định chứng khoán tuần từ 17 - 21/12 với nhiều yếu tố cản trở thị trường hồi phục. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thực tế, những nhóm cổ phiếu quan trọng nhất thị trường giảm như ngân hàng, dầu khí đã kéo thị trường chung giảm nhẹ. Cụ thể, VN-Index giảm 0,% xuống 952,04 điểm; HNX-Index giảm 0,46% xuống 106,65 điểm.

Bên cạnh giảm điểm thì thanh khoản trên cả hai sàn cũng giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt hơn 135,454 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 13,91% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX con số này là 30,013 triệu cổ phiếu/phiên, giảm tới 21,28%.

Thanh khoản giảm cho thấy tâm lý ngần ngại của nhà đầu tư khi mua cổ phiếu ở vùng giá cao sau khi chỉ số VN-Index vượt được mốc 960 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ 4. Áp lực bán của nhà đầu tư quá mạnh, trong khi lực cầu không đáp ứng nổi đã khiến VN-Index không giữ được mốc này.

Cơ sở để nhà đầu tư ngần ngại được cho là do thị trường chứng khoán thế giới vẫn diễn biến xấu, giá dầu có xu hướng đi ngang, trong khi thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực nào quan trọng.

Tuần qua có một thông tin đáng chú ý, đó là vào ngày 14/12, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức lùi kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2019, sang ngày 2/3/2019.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, thông tin này cũng không có tác dụng nâng đỡ nhiều thị trường chứng khoán khi mà  tuyên bố của USTR không đề cập kết quả kỳ vọng từ các cuộc đàm phán, mà chỉ nhắc đến các mục tiêu của Nhà Trắng trong cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày với Trung Quốc liên quan đến chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Ngay cả tại thị trường chứng khoán Mỹ, trong tuần qua cũng có những phiên lên, xuống đan xen do những lo ngại về cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán cũng chịu sức ép do sự sụt giảm giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn. Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 1,25%, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 1,2% và chỉ số Nasdaq mất 0,84%.

Các chuyên gia lưu ý rằng, diễn biến không mấy lạc quan của Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) vẫn khiến nhà đầu tư lo ngại khi nó đã gia tăng thêm những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang đứng trước nguy cơ do những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, việc các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy những dấu hiệu giảm tốc trong đà tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng khiến thị trường bất an.

Giới phân tích cho rằng, cùng với việc thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu điều chỉnh thì những biến động của thị trường thế giới sẽ có những tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế, tuần qua hầu hết những nhóm cổ phiếu chính đang có xu hướng điều chỉnh giảm.

Nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng giảm 1,3% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu chính như VCB giảm 1,2%, CTG (7,1%), VPB (4%), MBB (3,1%), ACB (0,7%), SHB (1,3%)... là nguyên nhân chính khiến thị trường điều chỉnh mạnh về cuối tuần.

Quan sát diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thấy, xu hướng điều chỉnh giảm đang chiếm ưu thế, cùng với sự suy yếu của thị trường chung thì nhóm ngân hàng ít có khả năng hồi phục trong tuần giao dịch tới.

Bên cạnh sự suy giảm của nhóm ngân hàng thì nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến xấu với sự giảm giá của PLX giảm 1,7%, PVB cũng có những phiên tăng giảm đan xen và tổng cộng giảm 1,5%, GAS giảm nhẹ 0,9%.

PVD có 3 phiên tăng đầu tuần và 2 phiên giảm cuối tuần nhưng kết thúc tuần tăng tới 6,1%. PVS cũng tăng 3 phiên đầu tuần và giảm 2 phiên cuối tuần nhưng cũng tính chung cả tuần không tăng không giảm.

Như vậy, nếu nhìn vào diễn biến của nhóm dầu khí cũng chưa hẳn xấu, nhưng với sự điều chỉnh của thị trường chung, cùng với việc giá dầu biến động mạnh trước nỗi lo cung vượt cầu là những yếu tố cản trở tăng trưởng của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Thực tế, từ đầu năm tới nay, thị trường dầu mỏ thế giới biến động mạnh trước nỗi lo về cung vượt cầu và động thái của các nhà sản xuất lớn.

Mới đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Song các chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tác động dài hạn của thỏa thuận giữa bối cảnh Qatar quyết định chia tay tổ chức này đang làm lung lay vai trò của OPEC trên thị trường. Bên cạnh đó, triển vọng dư thừa nguồn cung, trong khi lực cầu giảm cũng vẫn đang ám ảnh giới giao dịch dầu mỏ.

Những diễn biến không thuận lợi của giá dầu cùng với việc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang rơi vào điều chỉnh và gặp áp lực bán mạnh có thể là nhân tố khiến các mã cổ phiếu trong nhóm dầu khí khó bật tăng trong tuần tới.

Trong khi đó, hầu hết các mã cổ phiếu vốn hóa lớn dao động trong biên độ hẹp với mức tăng giảm không lớn.

Cụ thể, các mã thuộc ngành hàng thực phẩm – đồ uống tăng nhẹ như: VNM tăng 0,8%, MSN (1,1%), SAB (1,3%), MSN (1,1%)..., trong khi các mã vốn hóa lớn nhất nhì thị trường thuộc ngành bất động là VIC tăng 0,5%, và cổ phiếu vốn hóa lớn thứ nhì thị trường chứng khoán là VNM giảm nhẹ 0,2%.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ còn một vài mã biến động khá mạnh như VJC và HPG đều giảm 3,4%.

Một điểm chung của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là đều giảm khá mạnh vào phiên cuối tuần do áp lực bán tăng cao. Việc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn rơi vào trạng thái điều chỉnh có thể gây ra những lực cản cho sự hồi phục của thị trường chung trong tuần tới.

Điểm tích cực nhất trong tuần qua là việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, tính trên cả ba sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM, khối ngoại mua vào 105,8 triệu cổ phiếu, trị giá 3.350,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 77 triệu cổ phiếu, trị giá 3.151,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng mua ròng đạt 28,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 199,4 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp, với giá trị gấp gần 3 lần tuần trước, đạt 118 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 26,2 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại 25 tỷ đồng sau 5 tuần bán ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 1,2 triệu cổ phiếu.

Sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 56 tỷ đồng (giảm khoảng 36% so với tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 1,2 triệu cổ phiếu. 

Việc khối ngoại mua ròng nhẹ có tác dụng nhất định đối với thị trường, nhưng có lẽ chưa thể là nhân tố có sức nâng đỡ mạnh thị trường, khi mà nhà đầu tư nội vẫn rất thận trọng giải ngân ở vùng giá cao.

Như vậy, hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu quan trọng nhất thị trường đều đang rơi vào điều chỉnh, cùng với việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh, thanh khoản sụt giảm đang gây ra những nguy cơ có thể khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhận định: “Tuần tới, thị trường được dự báo sẽ có biến động trong biên độ hẹp quanh đường SMA20 trên khung thời gian tuần. Trong những phiên đầu tuần, thị trường có thể sẽ lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ 940 điểm. Tại vùng hỗ trợ này, phản ứng hồi phục được kỳ vọng sẽ xảy ra giúp chỉ số tăng điểm trở lại.”

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, tuần tới có một thông tin đáng chú ý là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  vào 2h sáng thứ 5 (20/12) theo giờ Việt Nam để bàn về khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 này. Tuy nhiên, SHS nhận định, với dữ liệu về CPI (Chỉ số giá tiêu dung) Mỹ giảm so với tháng trước thì xác suất Fed tăng lãi suất trong tháng này đang dần giảm bớt.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 17 -21/12), VN - Index có thể sẽ đi ngang và giằng co tích lũy với biên độ trong khoảng 930 - 960 điểm.

Với diến biến của phiên giao dịch cuối tuần, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, tâm lý thị trường trở nên tiêu cực với áp lực bán trên nhóm vốn hóa lớn.

Công ty này khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục hiện tại và chờ đợi tín hiệu rõ ràng của xu hướng trước khi hành động.

Văn Giáp (TTXVN)
Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, VN-Index mất gần 3 điểm
Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, VN-Index mất gần 3 điểm

Đóng cửa phiên giao dịch 10/12, chỉ số VN-Index giảm 2,7 điểm (0,28%) còn 955,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 213 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 4.962 tỷ đồng. Toàn sàn có 117 mã tăng, 167 mã giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN