Vì vậy, mặc dù phiên cuối tuần chỉ số VN-Index tăng hơn 10 điểm, nhưng có lẽ đây cũng chỉ là một sự điều chỉnh sau phiên giảm điểm mạnh trước đó.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 3,36 điểm lên 843,73 điểm; HNX-Index giảm 2,09 điểm xuống 104,36 điểm.
Theo dõi diễn biến giao dịch tuần qua có thể nhận thấy, chỉ số VN- Index tăng cao, nhưng cũng giống như tuần giao dịch trước đó, sự tăng trưởng này vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một vài cổ phiếu lớn như ROS, VIC, GAS, VNM, SAB. Các cổ phiếu này có sự biến động rất mạnh khiến chỉ số VN-Index cũng "nhảy múa” theo.
Cụ thể, cổ phiếu GAS đã tăng tới 6,1%; ROS tăng 9,2%, MSN tăng 3%, SAB tăng 3,3%, VIC tăng cả tuần với tổng mức tăng 5,3%. Đây chính là những trụ cột nâng đỡ và kéo chỉ số VN-Index tăng trưởng trong tuần giao dịch vừa qua.
Nhìn vào diễn biến phiên cuối tuần qua, VN-Index tăng mạnh 10.64 điểm là nhờ nhiều cổ phiếu lớn tăng trần hoặc gần trần. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại giảm so với phiên hôm trước đó, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng trước diễn biến tích cực của thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tâm lý nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới sẽ tiếp tục thận trọng và dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia chứng khoán, thị trường tuần qua có thể coi như là một tuần điều chỉnh, mặc dù chỉ số VN-Index vẫn tăng.
Nhiều nhà đầu tư tâm sự, với những diễn biến của thị trường hiện tại thì họ đang bị “kẹt hàng”. Nhà đầu tư rơi vào tình trạng không biết chọn quyết định nào cho đúng, không đưa được ra quyết định bán ra, bởi vì mặc dù khá nhiều mã cổ phiếu giảm sâu, nhưng thị trường chung thì vẫn tiếp tục tăng điểm.
Tâm lý chung của các nhà đầu tư này là chờ đợi các đợt hồi phục thật sự khi sắc xanh lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu, nhiều mã cổ phiếu để giảm tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ.
Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được thể hiện qua việc thanh khoản tuần qua sụt giảm so với tuần giao dịch trước đó, với trung bình mỗi phiên hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch trên cả hai sàn.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ cảm thấy khó lựa chọn cổ phiếu, bởi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III tốt thì thị giá cổ phiếu đã tăng cao, còn doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh kém thì không dám mạo hiểm mua vào.
Trái ngược với tâm lý nhà đầu tư nội, nhà đầu tư nước ngoài có một tuần giao dịch hưng phấn. Cụ thể, khối ngoại đã mua vào hơn 117 triệu cổ phiếu, trị giá trên 3.477,6 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 69 triệu cổ phiếu, trị giá trên 2.035,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 48 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 1.441,8 tỷ đồng.
Mặc dù vậy thì với hiện tượng “méo mó” của VN-Index do ROS, SAB và một vài mã cổ phiếu lớn gây ra, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá thận trọng về diễn biến của thị trường tuần giao dịch từ 6- 10/11.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC cho rằng, hai chỉ số đều hồi phục mạnh ở phiên giao dịch cuối tuần, biên độ và số lượng mã tăng giá có sự cải thiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư phần nào đã tích cực hơn và điều này giúp rủi ro giảm giá tạm thời bị chặn lại, tuy nhiên việc tăng giá sẽ còn nhiều khó khăn nếu dòng tiền tham gia không có sự cải thiện.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-SHS nêu quan điểm, thị trường tuần qua liên tiếp có những phiên tăng và giảm với mức điểm lớn, biên độ dao động mạnh trong các phiên cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của các mã vốn hóa lớn đã tác động mạnh mẽ đến chỉ số thị trường.
Trái ngược với nhóm vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán ra khá mạnh trong tuần qua và chỉ có đôi chút phục hồi trong phiên cuối tuần, nên chưa đủ để xác nhận sự đảo chiều xu hướng của nhóm này trong ngắn hạn
Tuy nhiên, SHS vẫn nghiêng về khả năng, trong tuần giao dịch 6- 10/11, VN-Index có thể duy trì đà tăng để thử thách lại ngưỡng kháng cự tương ứng với đỉnh ngắn hạn tại 850 điểm nhờ lực kéo ở nhóm vốn hóa lớn.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT-FPTS: “Những tín hiệu rủi ro xuất hiện trong phiên liền trước đã tạm thời được đẩy lùi và khung giá 840 - 850 điểm vẫn được bảo toàn cho kịch bản xu hướng của tuần kế tiếp. Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng VN-Index tiếp tục rung lắc mạnh bởi mức biến động nhanh và rộng của chỉ số đang tạo ra một nền tảng tích lũy yếu.”
FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát, chưa vội tham gia thị trường trở lại bởi rủi ro vẫn ở mức cao. Nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp có thể tận dụng đà hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và chờ đợi tín hiệu xu hướng ổn định hơn. Tỷ trọng cổ phiếu khuyến nghị vẫn bảo lưu ở dưới ngưỡng 40% tổng tài sản.