Tại hội nghị trao đổi về cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng thành phố do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 7/11, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho rằng việc thực hiện chủ trương xã hội hóa huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT), Hợp tác công tư (PPP), Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.
Cầu Sài Gòn 2 được hình thành từ hợp đồng BT giúp giải tỏa bài toán ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông thành phố. Ảnh: Anh Đức |
"Tại thành phố, nguồn lực xã hội hóa đã giúp thành phố hoàn thành những công trình giao thông quan trọng như: Cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng… từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội thành phố phát triển, giảm bớt áp lực cho ngân sách thành phố", ông Sử Ngọc Anh dẫn chứng.
Theo đó, đến nay TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 22 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã hoàn tất ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 69.869 tỷ đồng. Các dự án có chủ trương cho nghiên cứu đang triển khai thực hiện công tác đầu tư, gồm 133 dự án với tổng mức đầu tư là 395.847 tỷ đồng. Trong đó, hình thức hợp đồng BT là 94 dự án, hình thức BOT/BTO là 21 dự án, hình thức hợp đồng BTL/BLT có 8 dự án... tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang phát triển đô thị; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo lại chỉ ra rằng, bên cạnh mặt tích cực của các dự án BT, BOT, BTO hiện nay, việc triển khai các dự án này cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc chỉ định thầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình và có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, lợi ích xã hội. Bởi nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên tính rủi ro khá cao. Ngoài ra, việc chỉ định thầu đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư được hưởng lợi 2 lần. Ví dụ như khi nhận dự án, dự toán công trình là do nhà thầu đề xuất; các khu đất đắc địa cũng do nhà thầu đề xuất để thanh toán công trình.
Tương tự, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP (Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công) Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết nhà đầu tư thường được lựa chọn theo phương thức chỉ định thầu chứ không qua đấu thầu công khai. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại có khuynh hướng dựa dẫm quá nhiều vào tiền vay ngân hàng do năng lực tài chính không đảm bảo nên khi lãi suất ngân hàng biến động, lập tức tiến độ dự án bị ảnh hưởng, tính rủi ro tăng lên; thời gian thu hồi vốn dài gây bức xúc cho người dân.
Theo các đại biểu, để nâng cao hiệu quả của các dự án hợp tác công - tư tại TP Hồ Chí Minh, trước tiên cần thay đổi hình thức đấu thầu, từ chỉ định thầu chuyển sang đấu thầu công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, thậm chí có thể đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực về vốn tham gia. Từ đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu, nâng cao hiệu quả các dự án.
“TP Hồ Chí Minh cần phải có cách thức mới trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể nên hạn chế hình thức "hàng đổi hàng", bởi hiện nay TP Hồ Chí Minh đang áp dụng cách đổi đất lấy hạ tầng. Thay vào đó, thành phố hãy bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ để nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả của dự án", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du kiến nghị.